Từ trước khi sang Séc du học, thậm chí là khi gia đình mình còn chưa chắc có cho mình đi không, đã rất nhiều người lớn hỏi mình học xong có về nước không. Thậm chí còn hỏi sau này có đón bố mẹ sang không. Người Việt luôn lo xa như thế. Họ lo về những điều có thể xảy ra, đáng ra nên xảy ra, nhỡ hoặc lỡ xảy ra và bỏ qua hoàn toàn những điều đang xảy ra lúc bấy giờ. Hồi trước nghèo khổ thì mình hiểu vì sao các gia đình phải nhìn xa trông rộng, xem mấy đời nữa gia cảnh có khá lên nổi không. Nhưng bây giờ nhiều nhà có điều kiện vẫn sợ con mình làm rớt địa vị xã hội hay thế nào mà vẫn lo xa.
Hỏi “quan tâm” nhưng thật ra không quan tâm
Gần đây rất nhiều bạn bè hỏi định về Việt Nam hay ở lại Séc. Làm mình nhớ lại những năm mới sang, các cô dì chú bác rất hay hỏi “quan tâm” vậy. Như thể mình có thể kiểm soát 100% quyết định về hay ở, và như thể quyết định ấy là mãi mãi, chắc như đinh đóng cột và không bao giờ rút lại được nữa. Trước giờ mình cứ nghĩ chỉ người già mới hay hỏi ngu vậy. Hóa ra lũ bạn của mình cũng không khôn lắm.
Mình nghĩ về hay ở là một quyết định riêng tư của mỗi người. Một vấn đề rất nhạy cảm.
Thí dụ, mùa dịch này một loạt người quen của mình thất nghiệp, nghĩa là không được gia hạn visa, nghĩa là bai bai về nước. Họ có chọn về nước không? Không. Họ có phải về không? Có chứ, không nó gô cổ tống giam tội nhập cư bất hợp pháp à. Họ làm gì có lựa chọn?
Cũng có người gia cảnh khốn khó, vay mượn khắp nơi để tìm đường ra nước ngoài, bất chấp làm đủ ngành nghề, làm việc đến kiệt quệ để kiếm visa ở lại. Họ có chọn ở lại không? Không. Họ có phải ở lại không? Có chứ, không thì về quê cạp đất mà ăn à.
Bạn chẳng bao giờ biết được hết hoàn cảnh của một người để hiểu quyết định về hay ở của họ. Nhất là nhiều khi những quyết định ấy khiến họ cũng rất khổ tâm. Họ cũng đã phải dằn vặt, suy nghĩ rất nhiều. Đó là những quyết định khó khăn nhưng bạn hỏi như kiểu “cho vui” vì “quan tâm” vậy. Trong khi câu hỏi ngớ ngẩn của họ làm họ tự dưng suy nghĩ và phiền lòng, thì bạn lại tiếp tục bình phẩm.
Quan điểm thay đổi theo thời gian
Câu mình ghét nhất sau câu “cháu/em/chị/mày định ở lại đấy hay về Việt Nam?” là “tại sao không (insert cái còn lại vào đây)?” và kéo theo một lô một lốc các luận chứng, luận cứ để chứng minh quan điểm. Ủa sao chế hỏi tui xong chế tự đi trả lời hay vậy? Chương trình tâm sự đêm khuya hay gì? Muốn hỏi về quan điểm của người khác. Xong người ta vừa nói A. Thì lập tức “SAO MÀY KHÔNG CHỌN B??? B VỪA TỐT, VỪA CỰC TỐT, VỪA QUÁ TỐT, VỪA KHÔNG CÓ ĐIỂM XẤU. TẠI SAO KHÔNG CHỌN B???” Có nghe không đây hay là cái tôi to quá để ngậm mồm vào nào.
Hồi mới sang Séc, mình từng viết một bài “Không về Việt Nam” đăng lên blog xong share lên Facebook. Ôi giồi ôi, ông bà chú bác vào còm men như live stream bán hàng nhái. Ai cũng bảo mình quá gay gắt, còn trẻ và nông nổi các thứ. Đúng. Nhưng đấy, câu trả lời của tôi dành cho các vị đấy. Thực ra hồi đấy mình viết cũng là để gây chú ý là chính, chứ mình cũng không ghét Việt Nam đến thế. Mình đẻ ra ở đấy mà. Nhưng mình chán phải trả lời câu về hay ở quá, nên viết đại một bài chửi đổng như thế để mọi người bớt lời đi.
Hiện tại, mình lại càng cởi mở về chuyện về Việt Nam. Mình trước nay đều vừa yêu, vừa ghét Việt Nam (cụ thể hơn là Hà Nội tại mình sống mỗi ở đấy). Mình rất yêu đồ ăn Việt, yêu phố phường, yêu tiếng Việt (má không thấy tôi viết blog toàn tiếng Việt sao), yêu gia đình mình (họ hàng thì cần cân nhắc). Nên nếu quay về Hà Nội thì mình vẫn sẽ rất vui. Nhưng, mình cũng ghét kẹt xe, ghét trời nóng, ghét bụi đường, ghét còi xe, ghét người ta bình luận chuyện đời riêng tư của nhau như truyền hình thực tế hay gì. Nếu không về Việt Nam để tránh được mấy cái của nợ đấy thì mình cũng vui.
Thôi đừng nói chuyện xa xôi, xử lý mấy vấn đề trước mắt đi đã
Mình không lên kế hoạch 2-5-10 năm gì cho bản thân cả vì nó không thực tế (giơ ngón giữa với tất cả các đầu sách làm giàu). Chỉ lên kế hoạch 1 năm một, thí dụ kế hoạch hiện tại là cố học cho ngoan để tốt nghiệp đúng hạn và xin được việc.
Nói thật là sống ở đâu cũng được miễn là vui, khỏe, có ích (shout-out to chương trình vui-khỏe-có ích). Đây, mình quay lại vấn đề mình nêu ra ở đầu bài: Tập trung vào hiện tại, thay vì viễn tưởng tới tương lai, giả thuyết, mệnh đề if-then.
Nếu bạn làm hết sức, 200% tâm huyết với những gì bạn có trước mắt, đời sẽ đưa bạn đến từ cơ hội này đến cơ hội khác. Kể cả một số cơ hội hơi hãm l, mình thề nó sẽ dẫn bạn đến cơ hội tiếp theo, cái sau đỡ hl hơn cái trước một chút. Và thế là được rồi. Không cần phải lên kế hoạch 5 năm mua xe, 10 năm mua nhà, 15 năm lên làm giám đốc. Chính mấy cái sách làm giàu khuyên người ta như thế mới dẫn tới tỉ lệ tự sát vượt mức báo động ở mấy nước phát triển đấy. Vì người ta cứ ép nhau phải tham vọng, phải giàu có, phải thành đạt, phải lên ông nọ bà kia. Đến lúc không được thì thi nhau nhảy lầu. Thật ra ai mà chẳng chết. Nhưng ít ra, lúc sống vui vẻ thì lúc làm ma nó đỡ ức.
Ở rồi về, về rồi đi, đi rồi đến, sao phải rén?
Càng lớn, bạn sẽ càng thấy dịch chuyển đơn giản. Khi bạn có trình độ, có ngoại ngữ, có kinh nghiệm làm việc, có mối quan hệ ở khắp nơi trên thế giới thì việc dịch chuyển không còn khó. Bạn muốn đi, bạn sẽ tìm được đường đi. Bạn muốn về, bạn lại mò về. Không có gì và không có ai có thể ngăn bước chân của bạn. Bạn muốn đi ngắn hạn, dài hạn, đi gần, đi xa, đi một mình, đi gia đình, có rất nhiều cách, có rất nhiều cơ hội. Cơ hội sẽ đến. Khi cơ hội đến, bạn cứ mạnh dạn chọn. Chọn gì cũng đúng. Vì nó sẽ đưa bạn đến lựa chọn tiếp theo. Và cứ thế, ta sống một đời can đảm, tự tin, không nuối tiếc (và mặc kệ bọn haters).
Nhiều khi mình cũng tự hỏi tại sao mấy anh chị, cô chú ngoài xã hội lại phải “quan tâm” nhiều thế nhỉ? 🙂 Đến gia đình mình còn chẳng ý kiến gì mà. Về hay ở là chuyện mỗi người. Đừng đem cuộc sống của một cá nhân mà áp đặt lên tất cả mọi người.
LikeLiked by 1 person
Bài viết hay quá Châu ơi. Mình cũng đồng quan điểm với bạn chỗ yêu đồ ăn Việt và tiếng Việt nhưng đợt vừa rồi về VN chơi thực sự sợ khói bụi và còi xe và tắc đường. Và yeah tới đâu tính tới đó sống hết mình cho thực tại còn tương lai ko phải tính quá kĩ quá chi li 🙂
LikeLike
Chính xác và chuẩn! Tư tưởng của thế hệ mới là phải thế.
Cứ đi sẽ đến, không đến chỗ này thì đến chỗ khác.
Ủng hộ!
LikeLiked by 1 person