Chú Ý Về Làm Thêm Khi Du học Séc

Bạn là sinh viên tại Séc tìm kiếm việc làm thêm? Bạn không muốn phụ thuộc gia đình nữa? Bạn muốn phần nào trang trải cuộc sống của mình và dần dần tự chủ tài chính? Mình có thể giúp bạn! Sau đây là một vài kinh nghiệm làm thêm của mình suốt 6 năm sinh viên tại Séc.

Trong blog này, mình sẽ trả lời những câu hỏi sau:

  1. Tại sao sinh viên nên đi làm thêm?
  2. Chuẩn bị gì trước khi xin việc?
  3. Tìm việc ở đâu và như thế nào?
  4. Lương bao nhiêu là chấp nhận được?
  5. Làm nghề gì dễ kiếm tiền?
  6. Đi làm thêm có ảnh hưởng tới việc học không?

1. Tại sao sinh viên nên đi làm thêm?

Mình biết nhiều bạn đi làm thêm vì thu nhập. Vì giống như chị Ngọc Trinh nói, “Không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” 😀 Chuyện tiền nong vốn khó nói, nhưng thiếu nó thì khó sống. 😀

Nhưng nếu các bạn nhìn xa hơn chút, đặt mục tiêu là ra trường sẽ xin làm việc văn phòng ở một công ty lớn, thì bạn phải làm thêm để làm đầy làm đẹp CV từ khi đi học.

Nhưng nếu bạn chưa bị nỗi lo cơm áo gạo tiền ghì sát đất, thì mình hi vọng các bạn có thể đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và khám phá bản thân. Vì khi bạn không đặt nặng chuyện lương lậu, thì bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Mình có một người bạn rất thích chụp ảnh quay phim, giống mình. Thấy mình được đi làm cái mình thích, bạn ấy ngỏ ý muốn đi làm cùng. Mình cũng nói chuyện lại với sếp. Nhưng sau khi biết là lương bạn ý (100kc/h) sẽ thấp hơn lương bồi bàn (120kc/h) thì bạn ấy từ chối. Mình cũng rất hiểu khi bạn đi làm, bạn muốn được trả công xứng đáng, được trọng dụng, được làm cái mình thích. Nhưng đời nhiều khi, không như là mơ, nhất là đối với sinh viên.

Mình biết là không phải ai cũng có thể đi làm lương thấp chỉ để được làm cái mình thích. Nhà phải có điều kiện mới được đặc quyền như vậy. Nhưng vấn đề ở chỗ: Nếu bạn chỉ đi làm bồi bàn hoặc bán hàng tạp hóa, OK bạn có thể kiếm khá, nhưng CV lại không có gì. Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn sẽ rất khó xin việc với cái CV trống trơn như thế.

2. Chuẩn bị gì trước khi xin việc?

Để tránh mất thời gian của bạn & nhà tuyển dụng, xác định rõ:

  • Bạn đi làm vì mục đích gì? Để kiếm tiền, để trải nghiệm, hay để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn?
  • Bạn có thể làm những ngày nào trong tuần? Hoặc bao nhiêu giờ một tuần? 10? 20? 30 tiếng/tuần?
  • Bạn chấp nhận mức lương trong khoảng bao nhiêu (đọc thêm ở mục 4)?
  • Bạn muốn đi làm ở một công ty “đàng hoàng” hay chấp nhận làm “chui”? (đọc thêm về “làm chui” ở mục 5)

Nếu các bạn muốn xin việc văn phòng, hãy chuẩn bị:

3. Tìm việc ở đâu và như thế nào?

Nhờ người quen giới thiệu

Cách dễ và nhanh nhất để xin việc là nhờ người quen. Ở Việt Nam hay Séc cũng thế, có người giới thiệu luôn luôn đơn giản hóa quá trình tìm việc. Phần lớn các công ty ưu tiên người nói tiếng Séc và làm full-time, nên các vị trí part-time dành cho các bạn chỉ nói tiếng Anh khá cạnh tranh. Có người quen giới thiệu và chỉ dẫn sẽ giúp bạn kiếm được những vị trí thậm chí còn chưa công khai online. Nhưng dĩ nhiên nếu bạn không có người quen thì bạn có thể tìm qua các trang web tuyển dụng.

Với các công việc bàn giấy, các bạn có thể tìm qua các kênh:

Với các công việc chân tay, không cần tiếng Séc:

Lưu ý, khi tìm việc ở trên các hội nhóm Việt Nam này, bạn phải rất tỉnh táo và cẩn thận. Đối với những công ty Việt quy mô vừa và nhỏ, quảng cáo sơ sài, mức lương và công việc trông có vẻ “hấp dẫn,” bạn nên chú ý:

  • Luôn luôn phải gọi điện trước: Alo hỏi chi tiết miêu tả công việc, tên của chủ, tên công ty, có facebook/website thì xem xét cẩn thận có dấu hiệu gì đáng ngờ không (ảnh chụp mờ, thông tin trái ngược/thiếu sót,…). Qua cuộc điện thoại, bạn cũng sẽ cảm nhận được phong thái làm việc, thái độ với nhân viên của chủ.
  • Tìm hiểu kỹ càng công ty/chủ: Có số điện thoại, tên công ty hoặc tên chủ, lập tức tra google hoặc facebook tìm hiểu rõ về nơi và người mình sẽ làm việc cùng. Hỏi người thân, bạn bè có ai đã từng nghe đến, làm việc cùng chủ/công ty này không.
  • Đến xem nơi làm việc: Trước khi nhận công việc và đi làm ngày đầu tiên, sắp xếp một buổi gặp mặt, tham quan nơi làm việc để chắc chắn đây là môi trường mình muốn gắn bó.
  • Lưu lại mọi thỏa thuận dưới hình thức chữ viết: Nhiều công ty vừa và nhỏ sẽ ghi “lương thỏa thuận” trong quảng cáo tuyển dụng của họ. Những thỏa thuận này có thể được hứa bằng mồm. Lời nói gió bay. Sau khi thỏa thuận xong, bạn nên yêu cầu họ viết lại tất cả thông tin lương lậu, yêu cầu, điều khoản ra giấy hoặc viết email, tin nhắn gửi bạn. Để hai bên cùng thống nhất và có bằng chứng khi cần.

Các kênh tìm việc dành riêng cho các bạn biết tiếng Séc

4. Lương làm thêm bao nhiêu thì chấp nhận được?

Trước khi bàn về vấn đề hết sức nhạy cảm này, mình chỉ muốn ôm các bạn thật chặt và nói rằng, người duy nhất có quyền đánh giá lương bạn bao nhiêu thì chấp nhận được… là bạn. Vì bạn là người vác xác đi làm, cống hiến mồ hôi chất xám cho vị trí này mà. Người khác, kể cả mình, không có quyền phán xét lương thế là cao hay thấp gì hết. Nếu bạn thấy ổn với mức lương đó thì cứ tiếp tục làm.

Mặt khác, mình cũng ủng hộ việc công khai chia sẻ mức lương để tránh tình trạng bóc lột và bất bình đẳng trên thị trường lao động, đặc biệt là đối với người ngoại quốc/phụ nữ/sinh viên.

  • Công việc bàn giấy:
    • Lúc mình mới đi làm thêm thì mình tưởng là mức lương sẽ dao động tùy thuộc vào năng lực của bạn, nhưng trường hợp này chỉ đúng ở các công ty nhỏ. Ở các công ty tầm trung-lớn, họ thường có “bảng giá” sẵn, không thay đổi quá nhiều.
    • Với các công ty gia đình, công ty bé, hoặc công ty Việt thì có thể bạn sẽ phải thực tập không lương. Đây là trải nghiệm của mình ở Czech Viet. Mình đã phải trải qua 2 tháng không lương trước khi được đề xuất trả lương theo giờ. Đó là vì công ty chưa nhìn thấy giá trị/lợi ích mà bạn có thể đem lại cho họ. Sau 2 tháng thì bạn có thể kỳ vọng lương khởi điểm khoảng 100-150kc/giờ.
    • Các công ty tầm trung (AAU, VSFS) trả lương khoảng 120-200kc/giờ.
    • Các công ty lớn (SAP) trả khoảng 200-250kc/giờ
  • Công việc chân tay:
    • Tính tiền, bồi bàn, dọn dẹp khoảng 100-130kc/giờ + tips
    • Bốc vác, lái xe 130-150kc/giờ
    • Biết thêm tiếng Séc/Anh: 150-180kc/giờ

5. Làm nghề gì để kiếm tiền nhanh?

Tiền nhanh = tiền mặt + trả ngay

Bạn có thể đi làm những công việc chân tay, không đòi hỏi quá nhiều chất xám, đôi khi còn không cần tiếng Séc nữa. Ví dụ: tính tiền, bồi bàn, quét dọn, phụ bếp, bốc vác, v..v.

Khi đi làm các nghề chân tay, một số chủ sẽ ký hợp đồng làm việc đàng hoàng với bạn, nhưng trong nhiều trường hợp thì không (để trốn thuế, trốn bảo hiểm, không giới hạn giờ làm). Hiện tượng sinh viên “làm chui” thì ở đâu cũng có, không riêng gì Séc. Đặc điểm chung là không hợp đồng lao động, chỉ thỏa thuận miệng và trả tiền mặt.

Lương các nghề này rơi vào khoảng 100-200kc/h tùy vào quy mô nhà hàng, cửa tiệm, và đòi hỏi của công việc. Thường nếu các bạn làm ở quán ăn thì còn được bao ăn nữa. Một số nhà hàng lớn như Đông Đô, Hoàng Thành ở trong chợ Sapa thuê nhân viên chạy bồi cuối tuần. Một ngày, các bạn có thể kiếm được 800-1000kc.

Vì không phải trả thuế, thù lao của những công việc chân tay có phần nhỉnh hơn văn phòng. Các bạn muốn làm bao nhiêu giờ cũng được, chỉ có lao động nặng nhọc hơn. Việc hợp đồng lao động mập mờ cũng dẫn đến nhiều trường hợp bị cắt trừ lương vô lý.

6. Đi làm thêm có ảnh hưởng tới việc học không?

Về mặt pháp luật, với visa sinh viên thì bạn không được phép đi làm toàn thời gian (full-time) ở bất cứ đâu. Chỉ có thể ký hợp đồng bán thời gian DPP hoặc DPČ.

Các loại hợp đồng lao động dành cho sinh viên du học Séc

Hợp đồng DPP (Dohoda o provedení práce)

Bạn chỉ có thể làm việc 300 tiếng một năm cho một chủ lao động trên cơ sở thỏa thuận công việc. Nếu lương tháng từ thỏa thuận công việc nhiều hơn 10 000kc, ngoài thuế thu nhập bạn cũng sẽ phải trả bảo hiểm y tế và xã hội.

Hợp đồng DPČ (Dohoda o pracovní činnosti)

Ở dạng thỏa thuận này bạn cũng bị hạn chế thời gian làm việc. Bạn chỉ có thể làm việc tối đa một nửa thời gian làm việc một tuần (tức là 20 tiếng) cho một chủ lao động. Bạn phải trả bảo hiểm y tế và xã hội như khi làm việc trong quan hệ lao đồng bình thường.

Đọc thêm thông tin cơ bản về lao động tại Cộng hòa Séc

Mải làm, quên học có thể dẫn tới đuổi học

Trên thực tế thì đấy, rất nhiều sinh viên “làm chui”. Làm tối ngày. Thậm chí bỏ học để đi làm. Tình trạng này kéo dài, nhà trường sẽ báo cáo những nghỉ học liên miên với Bộ Nội Vụ và họ có thể cắt visa sinh viên của bạn. Không có hợp đồng lao động nên không thể xin visa lao động. Bạn sẽ phải về nước.

Trong một diễn biến khác, bạn vẫn đi học (tương đối) đầy đủ. Nhưng vì không cân bằng được việc học và làm, nên sức khỏe thể chất và tinh thần đều không tốt. Học hành kém. Thi không qua. Trượt hoài bị đuổi học. Cũng đứt giấy tờ.

Để tránh những điều không hay xảy ra, hãy ghi nhớ chúng ta vẫn là sinh viên, sang Séc với mục đích du học, không phải là lao động. Hãy tuân thủ đúng luật pháp sở tại. Chăm học vào ha.

9 thoughts on “Chú Ý Về Làm Thêm Khi Du học Séc

Add yours

    1. Hi em, e vẫn có thể đi làm cho các quán ăn người Việt, bưng bê, sắp hàng siêu thị ở Sapa… rửa bát, dọn dẹp, và xin nhận tiền mặt… như vậy thì ko ai kiểm tra đc… nhưng em phải cẩn thận để ko ảnh hưởng tới việc học và để bị đuổi học, sẽ bị đứt visa nhé…

      Like

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑