Communications Consultant Là Nghề Gì?

Ôi mình biết bắt đầu từ đâu nhỉ? Có lẽ mình nên bắt đầu là đây là ước mơ cả đời của mình. Mình luôn luôn muốn làm marketing & communications – một công việc sáng tạo, sôi động, không ngày nào giống ngày nào, thỉnh thoảng có drama cũng được nhưng đừng nhiều quá. Và quan trọng là vui. Thú vị. Mỗi ngày đều học được thứ gì đó mới. Và luôn luôn cảm thấy còn rất nhiều điều phải làm, rất nhiều mục tiêu để phấn đấu, vô vàn thứ để học. 

Lúc mình nhận được offer qua điện thoại, mình mừng muốn rơi nước mắt. Mình thậm chí còn cảm thấy khó thở, kiểu như khi được sờ vào idol ý.

Đó là cảm giác khi mình được nhận vào làm.

Hạnh phúc.

Thực sự rất hạnh phúc.

Quá trình xin việc Comms ở NNIT

Mình biết Communications Consultant là một công việc không hề dễ dàng. Mình cũng biết bản thân sẽ phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để làm tốt. Nhưng mình đã vượt qua kỳ thi tuyển cũng không hề đơn giản. Họ giao cho mình 3 bài tập chiến lược, cho mình 4 ngày để hoàn thành. Đó không phải là quy trình thông thường.

“Mấy người đùa tôi hả?” – Mình đã phải thốt lên như thế khi nhìn vào đề bài. Mình đã chắc chắn – không thể – xin được – công việc này.

Người làm vị trí này phải nói và viết giỏi cả tiếng Anh và tiếng Séc. Có khả năng giao tiếp, ứng xử thần thánh. Lên chiến lược quảng bá hình ảnh công ty cho cả năm. Phải tổ chức được sự kiện cho nhân viên theo budget đưa ra. Thiết kế ấn phẩm, quảng cáo. Phỏng vấn, chụp ảnh, viết bài cho trang web và các kênh mạng xã hội. Thật ra những việc này mình đều đã làm rồi. Nhưng mình chưa bao giờ làm tất cả những việc ấy một mình.

Mình được dạy chúng ta làm marketing để bán sản phẩm và chúng ta làm truyền thông (communications) để đưa thông điệp về sản phẩm đó tới khán giả. Hồi mình làm ở Anglo-American University, phòng marketing cũng xử lý internal communication và PR. Và cũng phải có 3-4 người làm những việc đó. Mà đó chỉ là một trường đại học bé 200 nhân viên.

NNIT là một công ty Đan Mạch với 3000 nhân viên toàn cầu. Hẳn họ phải có một team ở Cộng hòa Séc để xử lý marketing & communications chứ?

Nhưng chi nhánh NNIT ở Cộng hòa Séc không làm marketing. Đó là việc của trụ sở bên Đan Mạch. Văn phòng ở Praha chỉ là operations and delivery center cho khách hàng ở Đan Mạch, Thụy Sĩ, Đức, Áo, v…v. Họ không cần người viết quảng cáo về dịch vụ cho thị trường Séc. Nhưng họ cần một người duy trì thông tin nội bộ rõ ràng, mạch lạc. Xây dựng hình ảnh công ty NNIT tại Séc để thu hút thêm nhiều nhân tài. Và tổ chức những sự kiện công ty thú vị, hấp dẫn để giữ chân những nhân tài đó.

Và họ chỉ cần một người.

Khi mình đọc job description, đã thấy ngờ ngợ rồi. 

“You mean, I’m not gonna be just a Communications Consultant. I’ll be the Communications Consultant in NNIT Czech Republic?” 

Họ muốn tìm siêu nhân? Một người có 5-10 năm kinh nghiệm? Ai đó trí tuệ siêu phàm, kinh nghiệm đầy mình, không cần training, không cần chỉ bảo, chỉ cần bước vào guồng chạy một cái là mọi thứ êm như ru? Một người có thể đại diện cho cả Cộng hòa Séc trong mảng Communications?

Và mình lúc đấy còn chưa tốt nghiệp Thạc sĩ.

Làm bài tập (take-home assignments)

Hôm đấy mình thức đến 1-2 giờ sáng để nộp bài tập họ giao. Không kỳ vọng gì nhiều. Đề bài dài như thế thì siêu nhân cũng chưa chắc đã làm được trong vòng 4 ngày. Người ta còn đi học, đi làm, còn cuộc sống cá nhân, ai rảnh đi làm bài tập về nhà, không chỉ 1 mà tận 3 cái. Tôi đi đầu xuống đất cho các vị coi.

Nhưng thôi, đề bài cũng thú vị. Mình thấy họ rất tử tế. Gọi điện, nhắn tin đều rất thân thiện. Nên mình coi như lấy trải nghiệm, thử sức bản thân một tý. Nghiên cứu rất nhiều tài liệu. Thiết kế từng slide chi tiết đến từng chút một. Mỗi câu từ đều phải chuẩn như lau như li. Vào được hay không, không quan trọng, quan trọng là cố gắng hết sức. Riêng công việc, mình không làm nửa vời. Đã làm thì làm tới bến. Không có chuyện “app bừa” hay “làm đại”. 

Nói chung, mình nhìn nhận xin việc như vậy. Xác định mỗi buổi phỏng vấn xin việc đều là cơ hội học hỏi, “cọ xát” rồi xin feedback từ người ta. Sau này cứ vậy mà tiến bộ dần dần. Với NNIT cũng vậy.

Phỏng vấn

Hôm phỏng vấn, mình tự tin đến bản thân cũng hơi bất ngờ một chút. Có lẽ vì thực sự háo hức theo kiểu “Để bà cho chúng mày xem, bà làm được gì.” xong show ra một loạt bảng biểu, thiết kế bắt mắt, hình ảnh sống động, timeline campaign abc xyz rất hoành tráng. Chém một tấc lên giời – chính là nghề của bà.

Thậm chí, sau đó còn có thể nhận định với con Lindsay là “it was the best interview I’ve ever had. I literally owned the room. When I finished, I dropped the mic like *explosion noise*.”

Thỏa thuận lương

Lúc nhận được cuộc gọi từ manager thông báo offer và mức lương, mình đã có thể nói có luôn rồi. Thật sự. Cao hơn 20% mức lương SAP offer. Vị trí cao hơn. Nhiều công việc, projects thú vị hơn. Hợp đồng vô thời hạn. Phải kiềm chế lắm lắm mình mới dám “làm hàng”, và nói “để tôi suy nghĩ.”

Sau đó, mình in cả báo cáo Hays Czech Republic 2021 ra để so sánh. Và nói chuyện với đồng nghiệp HR ở SAP để xin lời khuyên. Manager của mình lúc đấy còn khuyên là mày nhất định phải thỏa thuận. Lúc xin việc là lúc mình có thế mạnh, dễ xin tăng lương nhất. Từ đấy trở đi, tăng sẽ rất ít, không đáng kể. Thời cơ là bây giờ.

Mình yêu cầu tăng thêm 10% lương khởi điểm với lý do: mình có bằng Thạc sĩ, mình có kinh nghiệm làm ở tập đoàn lớn, yêu cầu công việc phức tạp, và mặt bằng chung ngành Communications ở Cộng hòa Séc là khoảng đó.

Manager và recruiter sau đó video cho mình và nói chuyện rất căng thẳng kiểu, mức lương bọn tao đưa ra đã là rất cạnh tranh rồi. NNIT không thỏa thuận lương. Chúng tôi quy định lương theo tiêu chí định sẵn. Nói chung là rất căng, rất nghiêm trọng. Mình kiểu, thôi, tôi biết lỗi rồi, cho tôi cái offer cũ đi, tôi chịu mà, tôi đùa ý mà. 

Thế xong tự dưng họ chấp thuận.

Mình tắt cuộc gọi rồi vẫn còn bần thần. Ủa? Vậy là họ đồng ý hả? Ủa thế là như nào? Ủa tưởng NNIT không thỏa thuận lương, có tiêu chí tiêu chuẩn gì cơ mà? Rất hoang mang luôn.

Nhưng nói chung, bài học ở đây là, luôn luôn thỏa thuận lương khởi điểm.

Vậy làm thế nào để có công việc trong mơ?

Ngừng mơ mộng về “công việc trong mơ” =)))))) Mình nghĩ là ước mơ của mình ngày xưa về một công việc sôi động, sáng tạo, vui vẻ…đúng chỉ có trong mơ thôi. Đến cả khi mình làm ở một công ty 4.6 sao trên Glassdoor như SAP, mình còn có thể than phiền được. Thì kể cả có được làm dream job ở NNIT thì mình cũng vẫn có thể bới lông tìm vết để cảm thấy bất mãn được. Than thở thực sự là một thói quen khó bỏ của mình.

Nhưng kỹ tính và cầu toàn cũng đôi khi cần thiết để bạn luôn luôn có động lực để cố gắng cải thiện hệ thống, môi trường làm việc, phương thức giải quyết vấn đề, v…v. Nếu mọi thứ đã hoàn hảo rồi, thì người ta trả tiền cho bạn đến ngồi 8 tiếng một ngày để làm gì?

Sẵn sàng lăn xả, đấu tranh và đổ máu khi xin việc. Xin việc ở nước ngoài không hề dễ. Ngay cả khi bạn từng là học sinh xuất sắc, bạn rất thông minh, rất tài giỏi, thì bạn vẫn phải cố gắng và vất vả thêm rất nhiều. Mình đã phải sửa CV đến cả trăm lần để tối ưu nó, và vài trăm lần nữa để tùy chỉnh nó cho từng vị trí mình apply.

Bây giờ mình làm Communications rồi, mình mới biết là người Việt Nam xin những việc này khó như thế nào ở nước ngoài. Cả tiếng Anh hay tiếng Séc đều không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Mình nói và viết vẫn còn sai rất nhiều. Điểm IELTS hay SAT chả nói lên cái gì cả. Yêu cầu khả năng ngôn ngữ để làm trong ngành marketing & communications ở một cấp độ hoàn toàn khác.

Nếu không có referral, không có CV đầy đủ và thiết kế đẹp, cover letter thuyết phục, bài tập hoàn thành đầy đủ và chi tiết, phỏng vấn tự tin, nhiệt huyết, không có đầy đủ tất cả những yếu tố ấy, thì có xin được công việc này không? Tưởng tượng đây chỉ là 1 trong số 20 hoặc 200 nơi bạn gửi CV đến.

Chấp nhận là có thể sau khi bạn có được công việc trong mơ rồi, nó sẽ trở thành ác mộng. Khi những thói quen công việc dần dần biến thành thói quen sinh hoạt hàng ngày, người ta gọi đó là “bệnh nghề nghiệp.” Là khi bạn không còn phân biệt được đâu là công ty, đâu là nhà. Bạn đi nghỉ mát, bạn vẫn quen tay, quen mồm, quen thói văn phòng.

Có những thứ bạn từng yêu thích, một khi trở thành “cần kiếm cơm” sẽ không còn giữ được đam mê thuần khiết bạn dành cho nó lúc ban đầu. Thay vào đó là rất nhiều toan tính tiền nong, tối đa năng suất, căng thẳng đồng nghiệp, khách hàng. Bạn làm nhiều thì bạn quen tay, và ngày càng giỏi, nhưng niềm đam mê lúc ban đầu, sẽ vơi đi nhiều. Đối với một số người, chính việc biến đam mê thành sự nghiệp sẽ giết chết cái đam mê ấy. Rốt cuộc, công việc Communications Consultant hiện tại có phải cái dream job ấy hay không thì mình cần thêm thời gian mới trả lời được.

Nếu bạn đã đọc đến đây, chắc là bạn đang rất quan tâm tới phát triển sự nghiệp. Hãy đọc thêm các blog khác nè:

Phỏng vấn xin việc

Thực tập

Làm thêm

Lương làm thêm của mình

Nếu các bạn hoặc người quen của các bạn muốn làm trong IT ở một công ty Đan Mạch với lương cao, đãi ngộ tốt thì check out việc làm trên trang web của NNIT (nhớ viết tên mình trong Cover Letter nha).

3 thoughts on “Communications Consultant Là Nghề Gì?

Add yours

Leave a reply to Châu Praha Cancel reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑