Học Trường Chuyên Lớp Chọn Có Áp Lực Không?

Dạo trước mình xem được một series phim gia đình xoay quanh 3 gia đình có con đi thi đại học ở Trung Quốc, tên là “Tiểu Hoan Hỉ”. Thi đại học ở Trung Quốc, cũng giống như thi đại học Việt Nam, hay nhiều nước Châu Á khác, rất khốc liệt. Tỉ lệ chọi ở các trường đầu bảng là một trên mấy trăm. Tuy nhiên, khác với Việt Nam một chút, thi đỗ trường top ở Trung Quốc được ví như một tấm vé đổi đời, vì sau này tốt nghiệp có bằng cấp đẹp, dễ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, quan trọng nhất là từ đây sẽ xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội vô cùng cần thiết để thăng tiến sự nghiệp trong xã hội Trung Quốc.

Mình rất thích series này, nhưng không thể phủ nhận là chỉ xem thôi, mình cũng đã cảm thấy rất áp lực.

Series phim này làm mình nhớ lại những năm tháng cấp 2, cấp 3 của mình, đặc biệt là hồi cấp 2 học Giảng Võ, chỉ biết đi học thêm, đi thi, đội tuyển trường, rồi quận, rồi thành phố. Đây là bài ca “đời sinh viên” quen thuộc của trường chuyên lớp chọn ở Việt Nam.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”

Mình rất sợ đi thi, nhưng mình luôn ước ao được vào đội tuyển. Bất kể là môn gì.

Cảm giác được “thuộc về” một nhóm nhỏ những thành phần tinh hoa nhất, thực sự rất “đã”. Suốt những năm tháng tuổi dậy thì, sự tự tin của mình dựa hoàn toàn vào những thành tích học tập ấy. Những mối quan hệ bạn bè cũng từ các lớp học thêm mà nảy nở.

Mình vừa học xong khóa “Selling to Chinese consumers” trên Coursera, highly recommend các bạn thử học sẽ thấy người Việt mình có những giá trị sống rất giống với người Trung Quốc. Trong khóa này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra người Mỹ và người Trung Quốc có tư duy ngược nhau khi bàn về “đẳng cấp xã hội”. Thí dụ phần lớn người Mỹ tư duy là nếu bạn có tài năng, có nhiều mối quan hệ xã hội, có môi trường tốt, bạn sẽ thành công và trở thành một phần của tầng lớp tinh hoa (the elites). Nhưng phần lớn người Trung Quốc lại tư duy hơi ngược chút, là chỉ cần bạn (tỏ ra mình) thuộc về tầng lớp tinh hoa, bạn sẽ thu hút những mối quan hệ tốt, có được môi trường tốt, dần dần trở nên giỏi giang, tài năng.

Lúc mình mới nghe tới khái niệm này cũng thấy hơi lạ. Nghe không đúng lắm? Chẳng phải ở Trung Quốc người ta đổ xô cho con đi học thêm là để con giỏi hơn, sau này sẽ dễ thành công hơn sao? Nhưng rồi mình xem “Tiểu Hoan Hỉ” và bây giờ là “Mẹ Hổ Bố Mèo” mới hiểu là ngược lại. Mục tiêu của các vị phụ huynh này khi ép con học không phải là để con thông minh hơn, hiểu biết hơn, mà là để con vào được trường tốt, trường điểm, sau này ra đời có cái mác “cựu học sinh trường X” dễ xin việc, dễ quảng giao, được người ta nể trọng. Nghĩa là trước tiên phải trở thành tầng lớp tinh hoa, kể cả phải xin xỏ, chạy chọt, cũng phải cố đấm ăn xôi vào được trường top, rồi muốn học gì, làm gì nói sau. Người Việt mình chẳng phải cũng vậy sao?

Series phim gia đình “Mẹ Hổ Bố Mèo” xoay quanh câu chuyện học tập của cô bé 6 tuổi.

Minh chứng cho tư duy này là câu răn dạy “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” hay “Chọn bạn mà chơi.” Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của môi trường học tập.

Bản thân mình cũng bị ảnh hưởng tư duy này. Mình và Mèo cùng học cấp hai với nhau. Đi học thêm ngồi cạnh nhau. Học đội tuyển tiếng Anh cấp thành phố với nhau. Tính tình Mèo hài hước, thân thiện, hoạt ngôn, tuy hơi ồn ào và trẻ con nhưng rất chân thành, thẳng thắn. Mặc dù mình quý con người Mèo, nhưng không chơi cùng, vì thấy tiếng Anh của Mèo bình thường, điểm thi cũng không cao. Chơi cùng sẽ không giúp ích cho việc học.

Ngược lại, mình chọn chơi cùng các bạn học giỏi nhất, điểm cao nhất, luôn đứng top, kỳ thi nào cũng nhất nhì. Gọi các bạn ấy là Thỏ nhé. Các bạn Thỏ thì hơi kiêu ngạo một tí (hoặc là mình cảm thấy thế vì ghen tị với các bạn ý), có chút cứng nhắc, và nói chuyện thì cũng nhạt hơn (vì chỉ có mỗi chuyện học), nhưng mình vẫn nhất quyết kết giao với họ. Trong lớp, lúc nào mình cũng ngồi cạnh các bạn Thỏ, thường xuyên hỏi bí quyết, xin mẹo làm bài, có gì không hiểu liền hỏi họ. Quả nhiên, một thời gian sau, điểm số của mình dần dần cải thiện. Rất nhiều học sinh khác kết thân với mình, hỏi han chia sẻ kinh nghiệm học tập. Thầy cô giáo thường xuyên khen thưởng, lấy bài mình làm gương cho cả lớp. Đi thi cũng có giải thưởng rồi. Mình tự thấy bản thân đã trở thành một chú Thỏ. Đây chính là một ví dụ của “fake it until you make it”, “giả vờ” thuộc tầng lớp tinh hoa, rồi sẽ tự khắc trở nên tinh hoa.

Kỳ thi vào cấp 3, không may điểm thi của mình không cao, nên không vào được lớp chuyên anh 1 cùng các bạn Thỏ. Mình chỉ vào được “chuyên anh 3” hay còn gọi là chuyên Anh-Trung (học thêm tiếng Trung Quốc, lúc này mình chưa biết tí gì tiếng Trung). Cùng lớp với Mèo. Nhìn thấy Mèo trong danh sách lớp, mình vừa vui được gặp lại bạn cũ, vừa xấu hổ…không ngờ bản thân lại chỉ kém như Mèo…

Tua nhanh đến thời điểm hiện tại, 5 năm sau khi tốt nghiệp cấp 3, giờ Mèo đã đi làm ở một công ty kiểm toán to vật vã ở Mỹ. Mình vẫn vật vã trên ghế nhà trường. Đợt dịch này, mình nhắn tin hỏi Mèo tình hình công việc. Mèo nhắn lại những câu nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt, đại ý là mọi việc vẫn ổn, có phần nhàn hạ hơn vì dịch, mày thì sao. Mình trả lời qua loa là vẫn đang tìm việc, muốn làm marketing mà khó quá, tiếng Séc phải giỏi chút mới xin được việc, còn muốn làm marketing bằng tiếng Anh ở công ty quốc tế thì phải xuất chúng chút. Mèo bất ngờ, ủa mày ở đó 5 năm rồi vẫn unqualified for those jobs à?

Mình không hiểu ý Mèo là gì, nhưng đối với mình câu đó quá là tát vào mặt bảo mình, ôi tao không ngờ mày kém thế, du học lâu vậy mà tí tiếng Séc cũng không nói nổi sao? Giải thích mấy câu nhưng Mèo không rep, chắc lại bận nên quên. Mình buồn khóc cả tiếng. Mình buồn vì thấy bản thân kém cỏi một phần, thì chín phần còn lại là vì nhục. Nếu câu nói đó là do một con Thỏ thốt ra thì mình chấp nhận. Nhưng lại là Mèo nói.

Mình liền nhận ra hơn 10 năm quen biết nhau, mình vẫn coi mối quan hệ giữa mình và Mèo là cuộc đua. Mình chịu hòa nhau đợt thi cấp 3, thua 1-0 khi nó du học Mỹ còn mình du học Séc, nhất quyết không thể thua thêm trận nữa trên con đường sự nghiệp. Ấy vậy mà thua rồi. Thua đậm rồi.

Thật ra mình biết suy nghĩ kiểu này rất độc hại. Nhưng tư duy của mình bản chất là như vậy. Là hàng loạt những tỉ số thắng thua mình giữ trong lòng để so sánh với người khác.

Hồi ôn thi vào cấp 3, mình học 5 6 lớp học thêm một lúc.

Ảo tưởng về những cái mác

Đợt Tết vừa rồi mình về Việt Nam chơi hơn một tháng. Mình lên kế hoạch gặp lại tất cả những người bạn cũ cấp 2-3, bất kể độ thân quen, chỉ cần gặp lại. Một phần vì lúc đó mình cô đơn, thật sự mất phương hướng trong cuộc đời, cần lời khuyên từ những người bạn đồng trang lứa. Nhưng một phần, mình muốn gặp lại để so đo hơn thua giữa mình và họ. Họ tìm được công việc tốt lương cao, mình chúc mừng họ, nhưng lòng lại trùng xuống một chút. Họ bị sếp chửi, mình an ủi họ, nhưng lòng lại nhẹ nhõm một chút, vẫn còn có người kém may mắn hơn mình. Con người mình thực chất là như vậy. Rất hay so đo, tị nạnh. Để rồi người cảm thấy tồi tệ, thất bại nhất, cuối cùng vẫn luôn là mình.

Mối quan hệ giữa mình và Mèo thực ra chỉ là một trong số hàng chục mối quan hệ xã giao khác mà mình vẫn duy trì suốt từ những ngày học bù đầu ở Việt Nam đến nay. Và ngay cả khi đã không gặp nhau mấy năm trời, và cũng không thực sự quan tâm tới vui buồn trong cuộc sống hàng ngày của người ta, mình hồ như vẫn cảm nhận được áp lực của lớp học thêm ngày đó. Mỗi lần luyện đề tính điểm, lại tị nhau hơn kém từng cái 0,25.

Khi mình giãi bày nỗi lòng đố kị với Mèo cho Cún, một người bạn cũng cùng lớp với mình và Mèo, Cún nói đây là ảnh hưởng của trường cấp 3 mà chúng mình theo học.

Ngôi trường này chính là một cái mác quá hào nhoáng, bị quá nhiều phụ huynh, thầy cô, học sinh theo đuổi với mục tiêu tối cao là để trở thành một phần “đẳng cấp tinh hoa”. Vào được trường chuyên lớp chọn, các con sẽ giao lưu cùng những học sinh xuất sắc nhất, theo học những thầy cô giỏi giang nhất, được tạo điều kiện hết mức để có bảng điểm hoàn mỹ, portfolio hoạt động ngoại khóa ấn tượng, du học hay thi đại học trong nước đều không thành vấn đề. Kế hoạch hoàn hảo phải không? Vậy vấn đề là gì?

Trường cấp 3 Hà Nội Amsterdam

Vấn đề là môi trường học tập kiểu này gây ảo tưởng rằng tất cả học sinh đều bình đẳng trong mọi cạnh tranh. Đồng thời, tạo áp lực vô hình rằng các em phải thành công giống “con nhà người ta”.

Không phải ai tốt nghiệp từ một trường cấp 3 uy tín cũng theo học một trường đại học hàng đầu, rồi đi làm ở một tập đoàn quốc tế trị giá hàng tỉ đô. Có thể vì vấn đề sức khỏe, tài chính, gia đình, sở thích cá nhân, quan điểm sống, v.v. mà mỗi người sẽ tự nhiên rẽ những ngả đường khác nhau sau khi ra trường. Nhưng vì giáo dục của chúng ta được xây trên cơ sở của quá nhiều bài kiểm tra, quá nhiều kỳ thi, quá nhiều danh sách xếp hạng, nên chúng ta tốt nghiệp ra hàng chục năm sau vẫn ngỡ đời là một cuộc đua mà không nhất thì chỉ có bét. Tâm lý con người phụ thuộc quá nhiều vào thành tích để làm hài lòng cha mẹ, thầy cô, họ hàng và thể hiện với bè bạn, xã hội. Người như thế rất dễ tổn thương. Chỉ một chút sai sót, vấp ngã liền cảm thấy rất mất mặt, thất vọng tràn trề.

Áp lực ám ảnh: Cuộc sống là một cuộc đua

Hồi học lớp 6 thì phải, trường đột nhiên tổ chức thi IQ. Những câu đầu tiên mình giải rất nhanh, càng về sau càng khó. Đang nghĩ nát óc vẫn không luận ra logic gì thì cô giáo thông báo còn 15 phút, mình mới tá hỏa là còn tận mấy chục câu. Mình hoảng loạn khoanh bừa cho xong. Mấy hôm sau thì có kết quả IQ in thành danh sách xếp hạng từ bạn thông minh nhất đến bạn… kém thông minh nhất. Mình ám ảnh là điểm IQ của mình chỉ có 67 68 gì đó. Tức là ở mức học chậm, thiểu năng. Thật sự, không biết tại sao. Lúc đấy chỉ nghĩ nếu có thể chết được cho đỡ nhục thì tốt.

Sau này vào được trường Ams, thang điểm tự tin của mình một tấc lên giời. Sau Ams, mình không tìm được cái mác hào nhoáng nào khác để thay thế. Đã thế mỗi khi nhắc đến trường Ams, mẹ mình lại chỉ nhớ đến việc mình vì ham mê hoạt động ngoại khóa mà học hành chểnh mảng, điểm số mấy môn Toán Lý Hóa cứ gọi là bết xết lết. Nếu không vì thuộc đội tuyển quốc gia môn Tàu thì chắc bảng điểm không ngóc đầu lên nổi. Thật sự lúc bấy giờ mình không muốn học mấy môn đó. Thấy chả để làm gì. Nhưng mỗi khi bị điểm kém, mình luôn nghĩ đến bài thi IQ năm lớp 6. Chết rồi hay mình bị thiểu năng???

Xem nhiều phim gia đình mình không khỏi tự hỏi sau này nếu mình có con, mình có đè đầu nó ra ép nó học 4 5 ngoại ngữ, thi vào trường điểm, điểm số lọt top không nhỉ? Vòng luẩn quẩn của áp lực học hành và bệnh thành tích có thể tránh khỏi không nhỉ? Hay là nó sẽ lại tạo ra một thế hệ con người nhỏ nhen, đố kị, vĩnh viễn không bao giờ cảm thấy hạnh phúc vẹn toàn, như mình?

3 thoughts on “Học Trường Chuyên Lớp Chọn Có Áp Lực Không?

Add yours

  1. Hi em, anh cũng là 1 Amser (Sử 11-14) đang là du học sinh ở Đức. Anh cũng từng stress vì áp lực học hành thi cử cạnh tranh ở Ams nhưng sau này du học rồi mới nhận ra, môi trường ở Ams là 1 bước chuẩn bị rất tốt cho cuộc sống ở trời Âu, vì cuộc sống ở Châu Âu của 1 người trưởng thành có nhiều áp lực hơn nhiều so với 1 học sinh cấp 3. Anh nghĩ nếu sau này có con, anh sẽ vẫn cho nó học Ams, nhưng sẽ hướng cho nó đến 1 cuộc sống cân bằng hơn và cách để vượt qua được áp lực trong cuộc sống. 😀

    Liked by 1 person

  2. Hello chị, em cũng là một Amser nè. Em chúc chị sớm tìm ra con đường riêng của mình để không luôn rơi vào trạng thái luôn so sánh bản thân mình với người khác, tính toán và có phần toxic như trước nữa nhé. Trước đây hồi học cấp 2 em cũng bị như chị, cũng thích so sánh bản thân với người khác nhưng lên cấp 3, em thây mình trưởng thành hơn nhiều và có lối sống tích cực hơn và hiểu rằng mình chỉ cần tốt hơn so với chính bản thân mình là được đừng so sánh hay hạ bệ người khác để khiến mình cảm thấy tốt đẹp về mình hơn. Nếu chị cảm thấy áp lực quá chị có thể xem clip của chị yobae cũng có nói về chủ đề này em thây có vẻ khá đúng với chị và maybe là em của trước đây. Chúc chị sống healthy và balance nha

    Like

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑