Du Học Séc Có Khổ Không?

Bằng một cách thần kỳ nào đó, sau 7 năm, mình vẫn ở Séc. Có công ăn việc làm, thuê được nhà, và câu được anh luật sư xấu số nào đó làm người yêu.

Suốt 7 năm viết blog, mình nhận được rất chi là nhiều những câu hỏi khó từ các bạn. Có lẽ báo chí, truyền thông, rồi các youtuber Việt nổi tiếng thường tập trung vào hot drama nên các bạn thần thánh nó quá, nghĩ nó là một cái gì đó đáng sợ. Nhiều bạn mặc định du học là phải chông gai, gập ghềnh, nhiều thử thách lắm. Nhưng nó không nhất thiết phải như thế. Ý mình là lúc mới du học không bao giờ dễ, nhưng bạn sẽ học và thích nghi nhanh thôi.

Nếu phải so sánh trải nghiệm du học của mình với các bạn hoàn cảnh khó khăn hơn và du học những đô thị xô bồ và cạnh tranh hơn thì du học Séc êm đềm, thanh thản, an nhiên cực kỳ.

Photo by Pierre Blachu00e9 on Pexels.com

Du học có khổ không?

Câu này mình không có tư cách trả lời vì cuộc đời mình nhìn chung khá bằng phẳng và nhẹ nhàng. Sinh ra trong gia đình khá giả, được ăn học đầy đủ, sau này vào trường chuyên lớp chọn, rồi đi du học, ra trường kiếm việc ở lại, một hai năm về nước chơi một lần, trộm vía khỏe mạnh, 24 năm ở đời chưa ốm nặng, chưa đi bệnh viện bao giờ. Kể cả những khó khăn mình gặp phải ở đời cũng dễ dàng hơn những người khác, như là thất tình (nhưng nó vẫn là một cuộc tình 5 năm rất sâu sắc và nhiều kỷ niệm đẹp), bỏ nhà ra đi (nhưng mẹ của người yêu cũ lại đi săn nhà mới cho mình, rồi mình và cô hàng xóm trở thành bạn thân), hay vật vã tìm việc (nhưng bạn bè lại mau miệng giới thiệu rất nhiều chỗ và mình có việc trước cả khi thi tốt nghiệp). Nói chung là nhờ ông bà phù hộ độ trì và bố mẹ tích đức cả đời mà mình đi đâu cũng có quý nhân phù trợ và gặp rất nhiều may mắn.

7 năm qua, mình có cơ hội được sống ở nước ngoài đã là một đặc ân rất ít người Việt, phần lớn là nhờ gia đình, các mối quan hệ xã hội, và may mắn nâng đỡ nên mình mới vớt vát ở lại được đến hôm nay. Thậm chí, mình may mắn đến mức, nếu không kiếm việc ở lại được Séc sau khi tốt nghiệp thì mình biết chắc chắn về Hà Nội cũng xin được việc, cũng được ăn sung mặc sướng, và đi du lịch y như ở nước ngoài. Nói chung là nhờ có ô dù, hậu phương vững chắc mà nước đi nào cũng là nước thắng. 

Du học Séc có đáng không?

Mình từng rất ghen tị với những đứa bạn được du học Anh, Mỹ, Canada, Nhật, Hàn các thứ. Nghe nó kiểu sang chảnh hơn đi Tiệp ý. Đi Tiệp nghe quê thật sự. Kiểu, xuất khẩu lao động hay bán dâm hay gì. Mình thường nhìn ra ngoài cửa sổ lớp đại học trong buồn chán, ngắm tàu điện tramvaj và thở dài, “Khiếp, chả hiểu đi du học Đông Âu thì đi làm quái gì? Cái bằng đại học ở đây có chất bằng Ngoại Thương không mà phải vất vả, tốn kém thế?” Rồi chợt nhớ là mình thi Đại học chỉ có 3 điểm Toán thì không có quyền đòi hỏi mà nên ngậm cái mỏ vào. 

Ở Séc không có nhiều nhà cao tầng lấp lánh với cầu đường phố xá tấp nập như New York hay London. Cũng không có nhiều quán xá rồi khu vui chơi giải trí ở Nhật hay Hàn. Không có tụ tập bạn bè, đi chơi ăn uống thoải mái như ở Việt Nam. Tiếng Séc thì càng học càng không muốn học. Chi phí sống, giá nhà, giá xăng tăng đều mà lương thì không suy suyển mấy. Ẩm thực Séc không mấy đặc sắc, nói chung là nhiều thịt, nhiều tinh bột, dầu mỡ, ít rau quả, dễ ngấy, và mặn.

Photo by Hana Mara on Pexels.com

Nhưng thiên nhiên và khí hậu ở Séc thì rất dễ chịu, thành phố xanh, thời tiết ôn hòa, hè ít nóng, đông ít tuyết. Người Séc cũng ôn hòa, chuộng hòa bình, ít to tiếng, không bạo lực, lịch sự và tôn trọng người nước ngoài, đặc biệt cưng người Việt và những cửa hàng tạp hóa nhỏ của họ ở khắp nước Séc. Nam nữ tương đối bình đẳng, sòng phẳng, nói chuyện thẳng. Nếu bạn nói được tiếng Séc thì tốt, không thì cũng không sao, tiếng Anh (và tiếng Việt) được sử dụng rất rộng rãi. Nếu bạn đi làm ở công ty quốc tế thì lương sẽ thừa đủ sống và nếu tiết kiệm giỏi thì sau 4-5 năm đi làm có thể mua nhà trả góp 30 năm. Cá nhân mình thấy đáng du học.

Photo by eko sumargiyanto on Pexels.com

Tại sao mình chọn ở lại Séc?

Với nhiều người, cuộc sống ở nước ngoài tốt hơn ở Việt Nam, nên đã có cơ hội du học thì nên cố gắng ở lại.

Nhưng mình ở lại Séc đến hôm nay là vì nó…tiện.

Sau 7 năm ở Châu âu, mình hiểu văn hóa xã hội ở đây, có bạn bè, người yêu, mạng lưới xã hội đầy đủ, nhà cửa, công việc ổn định rồi, nên ở lại nó tiện hơn là quay lại Việt Nam và bắt đầu mới. Vì ngoài vốn từ vựng tiếng Việt của một đứa học sinh cấp 3, một chút tiếng tăm của bố mẹ đã về hưu, và mấy đứa bạn cũ ngoài react haha trên IG Story thì cũng không cập nhật gì mấy năm nay về nhau, cơ sở để mình bắt đầu cuộc sống và sự nghiệp mới ở Việt Nam khá là nghèo nàn.

Mình căn bản là ngại những thay đổi ngoài ý muốn. Nếu bản thân có nhu cầu, có mục đích rõ ràng thì sẽ lên kế hoạch đàng hoàng rồi dần dần thực hiện chuyển đổi. Nhưng tuyệt nhiên không ưa bị chỉ đạo hay áp đặt phải thay đổi, từ ngoại hình, công ăn việc làm, hay quốc gia sinh sống. Nhưng dĩ nhiên mình không loại trừ khả năng sau này mình có thể sẽ nổi hứng muốn quay lại cội nguồn và sẽ tìm đường hồi hương.

Mình dẫn phần Q&A trong Town Hall Meeting với CEO công ty

Bố mẹ mình có phản đối quyết định ở lại của mình không?

Khác với nhiều gia đình Việt, mình (và chị mình) từ bé đã được tự do quyết định nhiều thứ trong cuộc sống. Tự do trong khuôn khổ, dĩ nhiên, nhưng vẫn rất thoáng so với bạn bè đồng trang lứa. Ví dụ bạn phải cày cuốc, chăm chỉ, học giỏi, điểm số cao, thi đua đoạt giải, học bổng này nọ, đứng đầu lớp điểm phẩy TB các môn trên 9.0, đại khái thế.

Để bù lại, bạn sẽ được tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa ở trường, rồi vì những hoạt động trường lớp này mà về ăn cơm muộn hoặc không ăn luôn, tự đi xe đạp (điện) lên phố tụ tập ăn uống với bạn bè, đi chơi khuya rồi ngủ ở nhà bạn, thậm chí hè có thể đi chơi xa ở thành phố khác với chúng nó mấy ngày (18 tuổi), miễn là bạn chân thành báo cáo với lãnh đạo hành trình trước và sau chuyến đi.

Chị gái hơn mình 6 tuổi nên cũng thay mình hứng nhiều bom đạn phê bình từ các bậc phụ huynh hơn; chị chính là chiến binh tiền phong mở đường trong truyền thuyết, mỗi ngày lại xác lập một biên cương mới tự do hơn, phóng khoáng hơn cho em gái sau này. Nhờ có hi sinh của tiền bối đi trước, mình lớn lên được tự chọn trường, chọn ngành, chọn người yêu, sống một mình, đi du lịch một mình, sống với người yêu, đi du lịch với người yêu, đều chia sẻ công khai và hỏi ý kiến bố mẹ, nhưng những chốt hạ cuối cùng vẫn nằm trong tay mình. “Ý kiến của bố mẹ chỉ mang tính chất tham khảo” là nguyên tắc dạy con của nhà mình.

Vì thế, không ai trong nhà ép mình phải ở lại hay phải quay về Việt Nam cả. Cũng không ai có ý kiến gì khi mình yêu người Séc rồi về sống chung dù chưa cưới. 

Bố mẹ mình có cấm mình yêu Tây, cấm bọn mình sống chung trước khi cưới không?

Ở Séc, hầu như các cặp đôi nào yêu nhau nghiêm túc đều dọn về sống chung. Với người Châu Âu nói chung, sống thử trước khi cưới là cách nhanh và hiệu quả nhất để thử thách tình yêu, tính tương hợp, và lòng trung thành. Nhưng với người Việt thì ối giời ơi, ăn kem trước cổng. 

Mình thì nghĩ là miễn là mối quan hệ lành mạnh và nghiêm túc, hai người thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương nhau, có công ăn việc làm đầy đủ, tài chính nhà cửa ổn định thì bất kể màu da, quốc tịch, tôn giáo, giới tính với xu hướng tính dục, cưới hay chưa cưới, có hay không có con, miễn là hai người khỏe mạnh, vui vẻ, và an toàn, thế là được. Mọi người khác có thể tiếp tục an nhiên sống và tập trung vào việc của mình.

Photo by Achraf Alan on Pexels.com

Thí dụ như mối quan hệ cũ của mình cũng là 5 năm. Ở với nhau 2 năm Covid. Hết dịch thì chia tay. Lúc mới thất tình, mình thấy kiểu bản thân là đồ bỏ đi, giống cái giẻ rách dùng rồi, bẩn bẩn, sau này chó nó lấy, trong khi đấy là mình chủ động rời bỏ mối quan hệ. Nhưng sau mấy tháng quằn quại khóc lóc, tổn thương rồi lại tự làm tổn thương bản thân, thì mình bắt đầu hẹn hò trở lại. 

Ối giời bạn ơi, có kinh nghiệm yêu và sống chung với người khác rồi, hẹn hò nó khác hẳn. Bạn kiểu hacker ý. Bạn sống tỉnh vl. Tỉnh kiểu Neo né đạn trong Ma Trận ý. Bạn nhìn ra ngay, á à thằng này mày lại đểu bà. Đen cho mày là bà không đẻ ra hôm qua và đã nhìn thấy tâm can mày rồi. Hẹn hò, nhờ thế, rõ ràng và logic vl. Nhưng không phải vì thế mà bạn hết nao nứng, xốn xang khi thấy một anh chàng đẹp trai khoai to. Vẫn nao nứng. Nhưng não bạn nhảy số nhanh hơn cô em gái ở dưới nhảy sóng. Đây là cách tôi câu được anh luật sư xấu số kể trên. Vì tôi tính cả rồi.

Mình có bí quyết du học gì không?

Như đã nói ở trên thì trộm vía, số mình may. Vì người tính không bằng trời tính. Mà ông trời thì chia cho mình một tay quá đỏ. Nên mình làm gì có mật mã thành công gì, chỉ có mã gen tốt, đẻ giờ đẹp và gia cảnh hơn người, đó là bí quyết làm giàu của mình.

Kết lại là sau 7 năm sống ở Séc, mình nhận ra bản thân tuy không có gì xuất chúng nhưng được cái may mắn. Không cần giỏi giang cũng có thể vui vẻ. Không cần giàu sang cũng có bạn tốt. Không cần xinh đẹp cũng có người yêu. Không cần thông minh cũng có công việc tốt. Chỉ cần mỗi ngày thức dậy làm một người bình thường, làm những việc bình thường, sống bình thường là may mắn và hạnh phúc lắm rồi.

7 thoughts on “Du Học Séc Có Khổ Không?

Add yours

  1. Cám ơn Châu đã chia sẽ nhiều thông tin bổ ích về đất nước Séc. Châu thật dí dỏm. Mình sắp sang Séc học PhD full time vào tháng 9/2022. Dõi theo nhiều bài viết của Châu, mình cảm thấy yêu đất nước này nhiều hơn ^^, rất mong sau khi mình học xong PhD ở Séc cũng sẽ tìm được 1 việc làm thích hợp và gắn bó với vùng đất xinh đẹp này và để được 1 phần như trong hành trình của Châu vậy. Chúc Châu nhiều sức khỏe.

    Liked by 1 person

  2. Em cảm ơn chị đã chia sẻ kinh nghiệm. Em theo dõi blog của chị khi còn học lớp 11, đến nay đã sang đây học hơn 1 năm. Em rất thích những câu chuyện, kinh nghiệm cũng như lối hành văn của chị.

    Liked by 1 person

  3. Hi Châu, mình qua Séc được 3 tháng rồi. Lúc đi mình xin visa đi du học ngôn ngữ Séc, sắp tới mình có ý định xin học chương trình dự bị, nhưng để apply mình phải xin vía tiếp 1 năm nữa. Không biết mình xin visa ở bên này luôn được khônng hay phải về VN ra đại sứ quán xin mới được?

    Liked by 1 person

    1. Hi bạn, nghe bạn nói là đã sang đc 3 tháng (90 ngày) thì có vẻ loại visa bạn đang cầm là “long term residence permit for the purpose of studies”. Nếu đúng, bạn cứ apply gia hạn cái permit hiện tại từ Séc: ra vp Bộ Nội Vụ (MOI) nộp đơn là đc. Bạn xem hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ ở đây https://www.mvcr.cz/mvcren/article/third-country-nationals-long-term-residence.aspx?q=Y2hudW09Mg%3D%3D

      Like

      1. Bạn vẫn nên email trường trình bày hoàn cảnh, loại visa / permit bạn đang có, program bạn muốn học, và hỏi thẳng trường về loại visa / residence permit bạn cần để theo học nhé. Vì tuỳ trường và program dự bị thì lại có yêu cầu visa / permit khác nhau. Và trường gặp nhiều trường hợp như bạn rồi, chắc chắn sẽ tư vấn đc chính xác hơn mình.

        Like

Leave a reply to Châu Praha Cancel reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑