Du học Séc Hết Bao Nhiêu Tiền?

Chi phí sống tại Cộng hòa Séc thấp hơn mặt bằng chung của Châu âu. Một năm có thể rơi vào quãng 100-300 triệu VND. Không quá đắt đỏ. Rất thân thiện với sinh viên. Tuy nhiên, tiêu ít tiền thì vẫn là tiêu tiền. Khi tính toán chi phí du học Séc, bạn cần cân nhắc học phí, tiền thuê nhà, tiền ăn hàng tháng, chi phí sống, và khả năng đi làm thêm bên cạnh việc học full-time. Mình có thể tóm tắt tổng chi phí qua ba gói du học dưới đây:

  1. Gói tiết kiệm nhất 100-150 triệu VND/năm: Học bằng tiếng Séc ở trường công 0đ, ký túc xá+tiền ăn 70-100tr, chi phí sống 30-50tr
  2. Gói trung bình 150-250 triệu VND/năm: Học bằng tiếng Anh 50-100tr/năm, ký túc xá+tiền ăn 80-100tr, chi phí sống 30-50tr VND/năm
  3. Gói cao cấp 300 triệu VND/năm trở lên: Học bằng tiếng Anh 100-200tr/năm, thuê căn hộ+tiền ăn 100tr trở lên, chi phí sống 50tr trở lên

Trước khi tính toán xem du học Séc tốn kém thế nào, hãy đọc Sự thật về du học Séc và tự hỏi, mình có thực sự muốn đến đây không. Nếu bạn đã quyết tâm thì… Ok, bắt đầu lập bảng chi tiêu nào!

Cộng hòa Séc sử dụng tiền tệ riêng là Kuron (ENG: Czech crowns), kí hiệu CZK hoặc Kč. Thời điểm hiện tại 5/2021 thì 1 CZK = ~1,000 VNĐ.

Học bằng tiếng Séc

Học bằng tiếng Séc tại các trường công của Séc thì sẽ hoàn toàn miễn phí. 0 CZK. Nhiều bạn không biết tiếng Séc, sang đây có thể học 1 năm dự bị tiếng (mất tiền), rồi năm sau nhập học bằng tiếng Séc như bình thường.

Một số trường công hàng đầu của Séc là:

  1. Nhân Văn-Xã Hội: Karlova Univerzita (top 1 nước Séc)
  2. Công nghệ-Thông Tin: Ceské vysoké ucení technické v Praze (top 3)
  3. Kinh Tế: Vysoká škola ekonomická v Praze (top 5)
  4. Khoa học-Đời Sống: Ceska zemedelska univerzita v Praze (top 8)

Trong đó trường số 3 và 4 đặc biệt đông người Việt. Họ chọn trường 3 — trường Kinh Tế VŠE — vì đây là trường đứng đầu không chỉ toàn quốc, mà là một trong những trường hàng đầu Trung Âu và Đông Âu, đặc biệt mạnh về ngành kinh tế, tài chính. Họ chọn trường 4 — trường Khoa học ČZU — vì trường này cũng thuộc top hàng đầu về chất lượng và có ngành Kinh tế dạy bằng tiếng Anh với học phí rẻ nhất.

Ngoài ra vẫn có các trường tư dạy bằng tiếng Séc, học phí ~ 50-100,000 CZK/năm.

Học bằng tiếng Anh

Học bằng tiếng Anh thì luôn mất phí dù bạn chọn trường công hay trường tư.

  • Học bằng tiếng Anh ở trường công chi phí ~ 15-100,000 CZK/năm (600-4,000eu)
  • Học bằng tiếng Anh ở trường tư chi phí ~ 100-300,000 CZK/năm (4,000-12,000eu)

Đến đây thì chắc mọi người sẽ có câu hỏi, ủa má vậy học trường tư làm chi cho đắt tù và vậy trời?

Thường thì bất đắc dĩ mới phải chọn trường tư thôi. Chẳng hạn trường công không có ngành mình thích, không chấp nhận bằng cấp Việt Nam của mình, hoặc mình thi trượt trường công,v…v.

Ăn ở

  • Kí túc xá (phòng 2 người): 3-5,000 CZK/tháng
  • Căn hộ (phòng riêng): 6-12,000 CZK/tháng
  • Ăn uống (tự nấu 50%): 3-5000 CZK/tháng
  • Giải trí (hội hè, xem phim, cà phê…): 5-700 CZK/tháng

Như vậy, thí dụ bạn ở ký túc xá, phòng 2 người, tự nấu đồ ăn, ít hội hè chè bánh chút, thì ăn ở khoảng 6-7,000 CZK/tháng. 1 năm hết khoảng 70-80,000 CZK.

Chi phí sống

  • Phương tiện công cộng (sinh viên): 1200 CZK/10 tháng
  • Bảo hiểm (sinh viên): 10-20,000 CZK/năm
  • Mua sắm (đồ dùng, quần áo,…): 3-5,000 CZK/năm
  • Du lịch quanh Séc: 3-5,000 CZK/năm
  • Du lịch trong Schengen: 5,000-15,000 CZK/năm
  • Về Việt Nam: 14-20,000 CZK/vé khứ hồi

Như vậy, nếu biết tính toán mua sắm, chỉ du lịch vòng quanh Séc và về Việt Nam 1 năm một lần thì chi phí sống 30,000-40,000 CZK.

Tóm lại là du học Séc hết bao nhiêu tiền?

  1. Gói tiết kiệm nhất: Học bằng tiếng Séc ở trường công 0đ, ký túc xá+tiền ăn 70tr, chi phí sống 30tr = 100triệu VND/năm
  2. Gói trung bình: Học bằng tiếng Anh 100tr/năm, ký túc xá+tiền ăn 80tr, chi phí sống 50tr = 230 triệu VND/năm
  3. Gói cao cấp: Học bằng tiếng Anh 200tr/năm, thuê căn hộ+tiền ăn 100tr, chi phí sống 70tr = 370 triệu VND/năm (trở lên)

Làm thêm

Một chút thông tin tham khảo về mức lương:

  • Làm ở quán ăn nhanh (KFC, McDonalds,…): 100-130 CZK/giờ
  • Làm quán ăn tư nhân, lễ tân khách sạn, dọn dẹp: 120-150 CZK/giờ
  • Thực tập ở công ty vừa và nhỏ: 5-10,000 CZK/tháng
  • Thực tập ở công ty lớn: 10-20,000 CZK/tháng

Theo luật khi bạn sang đây với mục đích du học thì không được nhận việc gì chiếm quá nhiều thời gian, ảnh hưởng tới việc học tập của mình. Nghĩa là không được làm việc gì toàn thời gian ~ 40 tiếng/tuần. Như vậy, bạn có thể làm thêm theo 4 kiểu phổ biến nhất:

  • Làm theo giờ (hợp đồng DPP): Loại phổ biến nhất. Không được làm quá 300 giờ/năm cho 1 chủ lao động, có thể có nhiều chủ lao động, lương tối thiểu 1 giờ là 80 CZK, nếu lương tháng hơn 10,000 CZK thì chủ lao động phải thay bạn trả tiền bảo hiểm xã hội và y tế. Do vậy, nhiều chủ lao động sẽ chủ động giới hạn mức lương của bạn dưới 10,000 CZK. VD: Làm ở các quán ăn nhanh, thực tập ở các công ty,… Hợp đồng này không xin được thẻ lao động.
  • Làm theo dự án (hợp đồng DPČ): Không giới hạn thời gian làm hay số chủ lao động. Chủ lao động sẽ trả bảo hiểm y tế và xã hội cho bạn. VD: thực tập ở các công ty lớn. Hợp đồng này xin được thẻ lao động.
  • Làm tự do (freelance): Phải đăng ký giấy phép kinh doanh (Trade License – Živnostenský list). Một số ngành nghề đòi hỏi có bằng cấp được EU công nhận. Tự trả bảo hiểm y tế và xã hội cho mình. Giấy phép này xin được visa kinh doanh*. VD: nhiếp ảnh, dạy học, thiết kế đồ họa (graphic design), makeup,…
  • Làm chui: Rất phổ biến với sinh viên. Nói trắng ra là bạn trốn thuế, làm ngoài vòng pháp luật. Không có hợp đồng, hoặc “hợp đồng” không có giá trị pháp lý. Thường chỉ thỏa thuận miệng. Lương thường được trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua tài khoản cá nhân. Không giới hạn thời gian và chủ lao động. Thời gian làm linh hoạt. Tuy nhiên thu nhập thất thường. Trong trường hợp xảy ra xung đột giữa chủ lao động và bạn (nợ lương, ngược đãi, làm việc thiếu chuyên nghiệp,…), bạn sẽ không được bảo vệ trước pháp luật.

Lời khuyên

Mình khuyên chân thành là nếu bạn còn là sinh viên, gia đình bạn không quá khó khăn, bạn đi làm chỉ là để thỏa mãn nhu cầu tiêu vặt của mình thì: Đừng chạy theo đồng tiền.

Mình biết điều này là rất khó. Bản thân mình từ khi biết rằng sẽ có người trả tiền để mình sử dụng thể lực và chất xám làm một việc gì đó, dù mình có thích việc đấy hay không, mình cảm thấy siêu siêu tự hào và hạnh phúc. Có tiền mình sẽ được ăn những món mình thích, du lịch những chốn thần tiên và mua sắm những món đồ hằng mơ ước.

Nhưng mặt trái của ham muốn tiền tài là bạn sẽ nhanh chóng trở thành nô lệ của nó. Và bị ám ảnh với việc kiếm nhiều và nhiều tiền hơn nữa để duy trì lối sống. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới quỹ thời gian học tập, mà còn sức khỏe, đặc biệt là tinh thần. Vì lúc nào bạn cũng dằn vặt là tại sao mình không kiếm được nhiều tiền hơn. Làm nghề gì, ở đâu, bao nhiêu giờ/tuần thì sẽ kiếm được nhiều tiền nhất. Đây là vấn đề mà rất nhiều người trẻ, bao gồm mình, gặp phải, bởi vì xung quanh biết bao tấm gương “con nhà người ta” kiếm tiền như bỡn, triệu phú đô la khi 18 tuổi.

Cuộc chiến cơm áo gạo tiền sẽ là cuộc chiến cả đời của bạn. Một ngày nào đó bạn sẽ phải nuôi một gia đình của riêng và chu cấp cho gia đình 2 bên, nhưng ngày đó không phải bây giờ. Bây giờ bạn phải học. Khi bạn học xong, bạn sẽ có kiến thức, kỹ năng cộng tấm bằng. Chúng sẽ giúp bạn tăng giá trị bản thân trên thị trường.

Nếu bạn đã chốt hạ du học Séc, hãy đọc thêm 5 lời khuyên mình dành cho các “tân” sinh viên nhé.

Nếu du học gây áp lực tài chính quá lớn cho gia đình bạn, hãy suy nghĩ kỹ xem có nên đi hay không. Đừng để vì bị cuốn vào làm thêm mà chểnh mảng học hành dẫn đến nhiều hậu quả không hay (học lại tốn tiền, tốn thời gian, mất học bổng, bị đuổi học, v…v). Mình không chỉ trích những ai bỏ dở đại học, nhưng trước khi bỏ thì bạn phải có một lí do chính đáng và một kế hoạch chi tiết để gia hạn visa. Vì nếu không có ai bảo lãnh visa cho bạn thì bạn sẽ phải về nước đấy.

46 thoughts on “Du học Séc Hết Bao Nhiêu Tiền?

Add yours

  1. các trường bên đó có học bổng cho chương trình tiếng anh tại trường công ko ạ
    và nếu điểm ielts trên 7.0 thì có giúp ích được gì ko ạ

    Like

    1. Bên này không có chính sách học bổng xét học bạ hay các chứng chỉ tiếng Anh như bên Mỹ Anh Úc gì đâu nên nộp điểm IELTS chỉ là để đạt đủ tiêu chuẩn đi học chứ không xin được học bổng nha. Một số trường có chính sách học bổng dựa theo thành tích học tập (merit based scholarship) nhưng là sau khi vào học, bạn phải học 1 năm ở trường bên này rồi mới có bảng điểm để xét điều kiện nhé.

      Like

  2. Chào bé Châu , cô đang tham khảo về du học Sec thì đọc được các bài viết của cháu , con cô sinh năm 2005 -dự định học hết tháng 12 sẽ đi du học Sec , vậy bắt đều từ tháng mấy cô sẽ tiến hành được , cô đang mong
    phản hồi , cảm ơn cháu

    Like

    1. Vào học tháng 10 hàng năm, thường nên bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ tháng 2-3 ạ. Chọn trường, nộp hồ sơ, phỏng vấn, tìm ký túc xá, xin visa là kịp ạ.

      Like

  3. Em vừa thi xong muốn đi du học séc , em muốn hỏi là nếu tháng 10 vào học thì mình bay qua lúc nào ạ

    Like

    1. Chị nghĩ là nên bay qua trước 1 tháng, muộn nhất là 1 tuần trước khi vào học để ổn định chỗ ở, mua đồ dùng học tập, hoàn thành thủ tục nhập học, đi làm thẻ bio các thứ.

      Like

      1. Chào bé châu,
        Xin lỗi vì phản hồi mail của con chậm, cô được người nhà giới thiệu dịch vụ du học của Sangu, vì chưa tới nên họ cũng hẹn khoảng tháng 4/2023 liên hệ lại. con cho cô hỏi trong khoảng thời gian này cô sẽ phải chuẩn bị những gì cho con trai của cô, gồm chi phí , cũng như sở trường các môn học mà em đang theo ở trên trường thpt. Cô rất mong mail phản hồi của con, chào con

        Liked by 1 person

      2. Dạ cô, chi phí thì cháu cũng viết ở bài này rồi https://chaupraha.com/2022/05/03/du-hoc-sec-het-bao-nhieu-tien-2/ thường thì cần 100-150 triệu VND/năm: bao gồm học bằng tiếng Séc ở trường công miễn phí, ký túc xá+tiền ăn 70-100tr, chi phí sống 30-50tr. Tuỳ theo em muốn học ngành gì. Nếu cứ chung chung học kinh tế ở trường CZU thì bây giờ có thể tập trung học giỏi Toán, tiếng Anh, và tiếng Séc. Cháu khuyên là nên khuyến khích con cô tự lên mạng tìm hiểu thông tin và đọc blog của cháu để tự quyết định xem muốn học ngành gì (đọc thêm blog này https://chaupraha.com/2022/06/22/chon-truong-du-hoc-sec-2/). Sau này em du học cũng sẽ phải tự lập, tự túc học hành và tìm việc, chứ không nên để bố mẹ phải lo cho mình hay tìm hiểu thông tin hộ mình, trong khi đây là tương lai của em ý.

        Like

  4. Cho em hỏi là em vừa đi làm hộ chiếu , nếu kì học bắt đầu vào tháng 10 thì làm giấy tờ đi trong năm nay có kịp k hay là ra năm ạ
    Thank chị!

    Liked by 1 person

    1. Nếu hộ chiếu mới được cấp rồi + em đã được trường nhận rồi (có giấy nhập học rồi) thì xin visa sẽ hơi gấp nhưng chắc cũng kịp (tiếp theo phải đăng ký ký túc xá, mua bảo hiểm, đặt lịch với ĐSQ, v…v). Nhưng chưa có giấy nhập học thì chị sợ không kịp, vì riêng đặt lịch > phỏng vấn > chờ duyệt visa cũng mất 1-2 tháng như chơi rồi.

      Liked by 1 person

  5. Bên séc chỉ có 1 học kì bắt đầu vào tháng 10 thôi hả chị, nếu em xin đc visa và có giấy nhập học rồi thì em muốn bay sang sớm bao nhiêu cũng đc hay sao ạ

    Liked by 1 person

    1. Ở trường công như kiểu CZU CVUT VSE UK thì vào học tháng 10 thôi nhé. Ở trường tư như AAU, Prague College, UNYP thì có đợt tháng 9/10 (Fall semester) và tháng 2 (Spring semester). Nhưng thường thì Đại sứ quán không cấp cho em visa sớm quá trước khi vào học đâu. Thường họ cấp visa cùng lắm là 1 tháng trước khi vào học.

      Like

      1. Chị Châu ơi cho em hỏi em đã nộp bằng ĐH công chứng ở Ministry of foreign affair rồi, nhưng em ko biết như vậy có hợp lệ không ạ, em có email hỏi trường rồi nhưng chưa thấy phản hồi. Em cám ơn chị ạ.

        Liked by 1 person

      2. Bằng đh công chứng thì em phải nộp cho trường để xin học, hoặc nộp cho bộ nội vụ Séc (ministry of interior) để xin visa. Em nộp cho MOFA để làm gì?

        Like

  6. chị ơi, em vừa mới nhận đc hộ chiếu nhưng có đổi mới ..mà em mới đọc được thông tin là Séc k chấp nhận hộ chiếu mới này vì thiếu nơi sinh thì có sao k ạ

    Liked by 1 person

    1. Uh hiện tại Hộ chiếu mới ko đc công nhận nên em mang cả hộ chiếu cũ đi nhé. Hộ chiếu màu xanh lá cây ý. Chứ bây giờ chỉ biết chờ nhà nước VN hoặc EU thay đổi quyết định thui. 😦

      Like

  7. Em xin chào chị Châu!
    Thưa chị, nếu em học ngành Marketing, nhưng tốt nghiệp ở lại em xin làm lễ tân khách sạn, thì có được xem là công việc hợp lệ với bằng Tốt Nghiệp không. hay em phải xin việc đúng ngành học mới được ở lại ạ?
    Và khi em có hợp đồng lao động thì em tự xin gia hạn để ở lại hay bắt buộc công ty bảo lãnh mình thì mới được ở lại?
    Em xin cảm ơn chị nhiều ạ!

    Liked by 1 person

    1. Hi em, nếu em tốt nghiệp marketing từ trường ĐH của Séc (bậc cử nhân trở lên) thì em muốn làm nghề gì cũng đc nhé. Chỉ cần xin đc việc và ký hợp đồng lao động với công ty là ok. Em đem hợp đồng đi đổi mục đích cư trú từ du học sang lao động là đc (zaměstnanecká karta), công ty sẽ ko cần làm j cả.

      Trong trg hợp em ko tốt nghiệp đh séc, mà em tn đh vn, thì công ty cần “bảo lãnh” bằng cách đăng vị trí công việc lên web bộ lao động và báo là chỉ có em ms làm đc việc này, ko tuyển đc ng bản địa. Mà những công việc mức junior / entry level thì thg là cạnh tranh cao nên các công ty sẽ ko mất công để tìm ng như vậy.

      Like

  8. Chào bạn, hiện tại mình đang có dự định du học Séc hệ thạc sĩ, mình muốn hỏi bạn quy trình apply xin học ở một trường đại học Séc gồm các bước nào, bạn có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm apply xin học của bạn được không. Mình cảm ơn nhiều

    Liked by 1 person

    1. Hi, Bạn có thể tham khảo các trường công như:

      ĐH tổng hợp UK: Univerzita Karlova (top 1 nước Séc)
      ĐH tổng hợp MU: Masaryk University
      Công nghệ-Thông Tin ČVUT: Ceské vysoké ucení technické v Praze (top 3)
      Kinh Tế VŠE: Vysoká škola ekonomická v Praze (top 5)
      Khoa học-Đời Sống ČZU: Ceska zemedelska univerzita v Praze (top 8)
      Công nghệ: Tomas Bata University in Zlín

      Một số trường tư:

      Metropolitan University in Prague (International Relations*)
      University of Finance and Administration VŠFS (Economics and Management*)
      University of New York in Prague (Communication & Media*)
      Anglo-American University (International Relations*)
      Newton College (Global Business and Management*)
      Prague College (Art & Design)
      DAMU (Art, Movies & Theater)
      University College of Business in Prague VSO (Tourism*)
      Unicorn College (Software Development*)

      Ở trên trang web của các trường, hãy vào phần “Application” để đọc điều kiện apply. Đọc phần “Financial Aids and Scholarships” để đọc về điều kiện xin học bổng (nếu có) và làm theo hướng dẫn.

      Nếu bạn app nhiều trường, có thể lập bảng Excel để tiện theo dõi status các application. Bạn có thể đọc thêm về cách chọn trường và ngành ở blog này nhé: https://chaupraha.com/2022/06/22/chon-truong-du-hoc-sec-2/

      Like

  9. Chào bạn, hiện tại mình đang có dự định đi du học Séc hệ thạc sĩ, bạn có thể chia sẻ giúp mình kinh nghiệm apply xin học vào một trường học ở Séc gồm các bước nào và kinh nghiệm apply xin học của bạn được không ạ. Mình cảm ơn bạn nhiều

    Liked by 1 person

    1. Hi, Bạn có thể tham khảo các trường công như:

      ĐH tổng hợp UK: Univerzita Karlova (top 1 nước Séc)
      ĐH tổng hợp MU: Masaryk University
      Công nghệ-Thông Tin ČVUT: Ceské vysoké ucení technické v Praze (top 3)
      Kinh Tế VŠE: Vysoká škola ekonomická v Praze (top 5)
      Khoa học-Đời Sống ČZU: Ceska zemedelska univerzita v Praze (top 8)
      Công nghệ: Tomas Bata University in Zlín

      Một số trường tư:

      Metropolitan University in Prague (International Relations*)
      University of Finance and Administration VŠFS (Economics and Management*)
      University of New York in Prague (Communication & Media*)
      Anglo-American University (International Relations*)
      Newton College (Global Business and Management*)
      Prague College (Art & Design)
      DAMU (Art, Movies & Theater)
      University College of Business in Prague VSO (Tourism*)
      Unicorn College (Software Development*)

      Ở trên trang web của các trường, hãy vào phần “Application” để đọc điều kiện apply. Đọc phần “Financial Aids and Scholarships” để đọc về điều kiện xin học bổng (nếu có) và làm theo hướng dẫn.

      Nếu bạn app nhiều trường, có thể lập bảng Excel để tiện theo dõi status các application. Bạn có thể đọc thêm về cách chọn trường và ngành ở blog này nhé: https://chaupraha.com/2022/06/22/chon-truong-du-hoc-sec-2/

      Like

  10. C ơi cho e hỏi, trườnh Ostrava có phải trườnh công ko ạ? E có bằng Đh ròi thì học trường đó Cao học chi phí có đắt lo ạ?

    Liked by 1 person

    1. Trường Ostrava (OSU) là trường công nhé. Dưới 26 tuổi học bằng tiếng Séc thì ko mất tiền nhưng học bằng tiếng Anh thì lúc nào cx mất tiền. Nếu em học cao học (magister) 2 năm thì mỗi năm học phí là 65 triệu ở trường OSU nha.

      Like

    1. C nghĩ là đi làm thêm trong thời gian học dự bị ok thôi. Chỉ có em phải sắp xếp thời gian để vẫn học hành và lên lớp đầy đủ số buổi quy định và thi qua các kỳ kiểm tra nhé.

      Like

      1. Vâng ạ, em nghe 1 số anh chị kêu không được đi làm thêm trong khoảng thời gian học dự bị. Nếu đi làm sẽ bị tính BHP. Nên em có chút lo. Tiện chị giới thiệu giúp em mấy sách học tiếng séc với ạ, em không biết chỗ nào bán :((

        Liked by 1 person

  11. Chào b, mình đg có dự định học thạc sĩ tại Séc, thì khi học thạc sĩ mình sẽ học bằng tiếng Séc hay bắt buộc là phải bằng T iếng anh ạ. Theo như mình tìm hiểu qua gg thì hầu như là toàn bằng Tiếng Anh

    Liked by 1 person

    1. Hi bạn nếu bạn google bằng tiếng anh thì kết quả sẽ tự động filter các chương trình thạc sĩ bằng tiếng anh nhé. Bạn nên tra từ khoá bằng tiếng Séc “magisterské studium” (có nghĩa là “học thạc sĩ”) + tên thành phố hoặc tên trường bạn muốn học nhé vd “magisterské studium univerzita karlova v praze”

      Like

    1. Thật ra cũng ko cần thiết phải thi bằng tiếng Séc nào hết vì họ không đánh giá năng lực tiếng Séc của em theo cách đó. Mà nếu em đạt đc trình độ tầm A2-B1 thì em sẽ đọc hiểu đc thông tin về nhập học và hướng dẫn thi đầu vào để có thể đi thi như các bạn Séc khác. Còn em ko cần nộp bằng A2 hay B1. Lấy A2-B1 để làm động lực để học tiếng Séc thôi chứ mình ko nộp chứng chỉ như kiểu ielts để chứng minh trình độ tiếng anh đâu. Tại thi đầu vào ngành econ (kinh tế) thì là môn toán (bằng tiếng séc) nên e phải biết tiếng séc thì mới hiểu đề bài mà làm đc. Thường thì học dự bị là để học cách giải toán bằng tiếng Séc để đi thi môn này. Chứ ko chỉ đơn giản yêu cầu e học ngoại ngữ giao tiếp hello how are you (nếu em học tiếng Séc ở VN thì chỉ học đc mấy cái giao tiếp này thôi chứ họ ko thể dạy em các từ vựng toán học như kiểu căn bậc hai, hàm số, tích phân, trục tung trục hoành bằng tiếng Séc đc, nên em có học đc lên A2-B1 thì e cũng ko thi đc toán bằng tiếng Séc, ko phải vì em dốt toán hay dốt tiếng Séc, mà vì em chưa đc dạy toán bằng tiếng Séc bao giờ).

      Học dự bị là học các khái niệm toán, từ vựng chuyên ngành, cách giải toán bằng tiếng Séc, v.v và như thế thì sẽ đảm bảo em thi đc qua đầu vào, và đồng thời sau này đi học e sẽ biết các từ chuyên ngành bằng tiếng Séc để đỡ bỡ ngỡ và dễ theo dõi bài giảng hơn.

      Like

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑