Học Tiếng Séc Có Khó Không?

Sau hơn 6 năm ở Séc và viết blog về du học Séc, mình thấy câu “học tiếng Séc có khó lắm không chị?” là câu tiêu chuẩn 99% thế nào du học sinh mới sang cũng hỏi. Mình thấy cũng dễ hiểu thôi. 😀

Ngôn ngữ là cách chúng ta biểu đạt ý nghĩ, tình cảm, và kết nối với nhau. Hiển nhiên, du học sinh Séc sẽ đặt việc học tiếng lên ưu tiên hàng đầu khi sang đây. Mình thấy phần lớn các bạn quan tâm vì muốn học tiếng không chỉ để giao tiếp ngoài đường (kiểu “học đối phó”), mà còn là để nghiêm túc chuẩn bị cho học tập và làm việc sau này.

Mình cũng vậy. Lúc mới sang, cũng muốn biết sẽ mất bao lâu để có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng bản địa và hòa nhập với xã hội. Và cũng giống như các bạn, mình cũng đã trải qua tất cả những bước học tiếng Séc và vô vàn cung bậc cảm xúc xuyên suốt quá trình đó, nên muốn chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Séc với mọi người. Nếu blog này không giúp được gì các bạn, thì cũng coi như là một chút đồng cảm: mình hiểu nỗi khổ học tiếng của các bạn, và dù bạn cuối cùng có nói được tiếng Séc hay không, mình cũng không đánh giá gì cả. =)))))

aerial view of city buildings
Photo by Daniele Gerini on Pexels.com

Tiếng Séc có khó lắm không?

Câu trả lời ngắn là có. Nhưng mình nghĩ để đạt được trình độ A1-B1 (sơ cấp, trung cấp) để có thể giao tiếp cơ bản, đọc báo, gọi điện thoại, order đồ thì hoàn toàn làm được sau 1-2 năm

Có người học nhanh hơn, có người chậm hơn, tùy vào động lực và quyết tâm của họ, chứ mình không nghĩ tài năng giải quyết được nhiều lắm (như mình đây, khá tự tin là có “năng khiếu ngôn ngữ” khi nói được tiếng Anh và tiếng Trung. Tiếng Việt của mình còn văn chương lai láng nữa chứ. Nhưng tiếng Séc thì mãi 6 năm mới chỉ B1 thôi mà vẫn còn sợ nghe điện thoại đây.) 

Trước tiên, chúng ta phải công nhận sự thật khách quan là học tiếng Séc rất khó đối với người Việt. Nên nếu bạn gặp khó khăn phát âm, nhớ ngữ pháp, từ mới thì cũng không nên tự trách bản thân nhiều quá, vì vốn xuất phát điểm của mình khá bất lợi so với nhiều người nước ngoài khác.

Tiếng Séc thuộc dòng họ ngôn ngữ Slavic (như tiếng Nga). Cho nên người Nga, Ukraina, Ba Lan, Slovakia, hay các nước Balkan, sẽ có lợi thế khi học tiếng Séc. Nói thế không có nghĩa là họ không cần học. Vì kể cả khi hai thứ tiếng rất giống nhau thì vẫn có các khác biệt nhất định về phát âm, ngữ pháp, nhiều từ đồng âm nhưng khác nghĩa, dễ gây nhầm lẫn. Nhưng rõ ràng là họ có lợi thế từ ban đầu, và nhờ vậy họ tiến bộ nhanh hơn. Nên nếu bạn có học tiếng Séc bên cạnh những sinh viên Slavic, không nên so sánh với họ nhiều quá mà tủi thân, mất động lực. Hãy coi như việc học này là hành trình chiến thắng bản thân của chính bạn. Chứ không phải cuộc thi nha.

Nếu bạn đã biết tiếng Anh thì cũng không giúp được gì việc học tiếng Séc lắm. Vì tiếng Anh thuộc gốc Germanic. Phát âm và ngữ pháp khác hoàn toàn. Tuy nhiên, khi bạn học lên cao và về chuyên ngành, bạn có thể nhìn thấy nhiều từ mượn tiếng Anh, như là organizovat (organize), informace (information), diskriminační (discriminating) – Có thể coi đó là một chút cứu rỗi. Sau này khi bạn đi học hoặc đi làm, nếu đồng nghiệp là người Séc dưới 40 tuổi, nhiều khả năng bạn có thể nói tiếng Anh với họ, hoặc bồi tiếng Séc-Anh, giống như người Việt nói bồi tiếng Anh vậy.

Học tiếng Séc bao nhiêu lâu thì nói được?

Trình độ sơ cấp (A1-A2): Sau 6 tháng học tiếng có thể chào hỏi, gọi đồ ăn, đọc biển hiệu, nghe hiểu 10-20%, nhưng chưa thể có một cuộc hội thoại, cảm thấy rất xấu hổ khi phải nói. 

Trình độ trung cấp (B1-B2): Sau 1 năm học tiếng có thể có một cuộc đối thoại đơn giản, có đủ vốn từ đi làm các ngành dịch vụ (bồi bàn, nail, bếp, tính tiền, v…v.), nghe hiểu 20-50% nhưng nói chậm và sai ngữ pháp vẫn nhiều, nhưng được cái tự tin hơn vì nói nhiều nên quen. Đọc viết khá hơn, đã có thể đọc hiểu tin tức, viết email đơn giản với sự trợ giúp của Google Translate.

Trình độ cao cấp (C1-C2): Sau 2-5 năm học tiếng có thể chắc về ngữ pháp và có một vốn từ đa dạng rồi. Cộng thêm các mối quan hệ với người Séc qua trường lớp, công việc. Bạn cùng họ hằng ngày trò chuyện, không chỉ là đối thoại mua bán bình thường, mà còn về cuộc sống, công việc, gia đình nên vốn từ và cách diễn đạt trở nên phong phú và tự nhiên hơn rất nhiều. Có thể xem phim, nghe nhạc và đọc sách báo khá trôi chảy.

long exposure photography of cars
Photo by Ignacio Palés on Pexels.com

Có cần học tiếng Séc từ lúc ở Việt Nam không?

Cái này phụ thuộc các bạn định học bằng tiếng Anh hay tiếng Séc. 😀

Nếu định học ĐH bằng tiếng Anh thì các bạn có thể đăng ký một lớp Tiếng Séc Cơ Bản ở Việt Nam. Học với mục đích làm quen bảng chữ cái, phát âm, ngữ pháp, một vài mẫu câu đơn giản, chào hỏi, một vài từ thông dụng. Kỹ năng này sẽ trở nên rất cần thiết trong những ngày tháng đầu tiên khi bạn mới sang đây. Tin mình đi, lúc mới sang bạn sẽ gặp rất nhiều tình huống hỏi đáp cơ bản (tên gì, từ đâu đến, hộ chiều đâu, giấy nhập học đâu, v.v.) , nhưng bắt buộc bạn phải biết một chút chút tiếng Séc mới trả lời được. Và kể cả có người thân, người quen giúp bạn phiên dịch thì tốt nhất là bạn cũng có thể hiểu 10-20% cuộc đối thoại để học mẫu câu đó cho những lần sau. Như là ở đại sứ quán, sở ngoại kiều, ngân hàng, ký túc xá, phòng tuyển sinh, nhà hàng, bến xe. 

Tuy nhiên, nếu các bạn định học ĐH bằng tiếng Séc, không nên kỳ vọng sẽ học tiếng ở Việt Nam sẽ đủ để sang đây học Đại học hoàn toàn bằng tiếng Séc. Mà nên xác định học cơ bản ở Việt Nam rồi sang đây học 1 năm dự bị tiếng cho chắc chắn.

people at train station
Photo by JESHOOTS.com on Pexels.com

Trình độ tiếng Séc là bao nhiêu mới đủ điều kiện học ĐH? Biết tiếng Séc rồi có cần học dự bị nữa không?

Nếu trình độ tiếng Séc của bạn từ B2-C1 trở lên, tức là bạn giao tiếp lưu loát và nắm chắc các từ vựng chuyên môn của ngành bạn chuẩn bị theo học (tài chính, kinh tế, luật pháp, etc.), bạn có thể đăng ký thi đầu vào như bao thí sinh khác và đi học bằng tiếng Séc luôn, không cần học dự bị.

Ví dụ như đây là yêu cầu thi đầu vào tiếng Séc của trường Nông nghiệp ČZU (có link tải đề mẫu).

Mỗi trường sẽ có quy định thi đầu vào khác nhau, nhưng nói chung là khoảng B2-C1 trở lên. Dĩ nhiên càng cao càng tốt. Mình cứ suy từ bản thân ra thôi, vì mình học chương trình tiếng Anh và trình tiếng Anh của mình hồi đó đã C2 rồi ý mà mình còn học lòi mắt ra. 😀

Tuy nhiên, mình tin là trường hợp không cần học dự bị tiếng Séc rất ít. Vì như mình nói, tiếng Séc là một ngôn ngữ khó học đối với người Việt. Và các bạn du học sinh từ Việt Nam sang, dù đã học tiếng Séc ở trung tâm chăm chỉ đến mấy, cũng sẽ không thể giao tiếp lưu loát + sử dụng thành thạo các từ chuyên ngành trong bài kiểm tra hay thi vấn đáp ở trình độ Đại học. Đây không chỉ là vấn đề ngoại ngữ, mà còn quan trọng hơn cả là kiến thức chuyên ngành bằng tiếng Séc.

Mình khuyên các bạn đã xác định sang Séc học, sống, và làm việc bằng tiếng Séc thì nên đầu tư một năm học dự bị tiếng vì nó rất đáng tiền. Trong một năm học dự bị, bạn không chỉ học tiếng Séc, mà còn học về văn hóa, lối sống, cách làm việc của người Séc. Bạn dần dần ổn định cuộc sống ở Séc, kết bạn với người bản địa, có thể đi làm thêm để luyện tiếng và kiếm thêm tiền. Và quan trọng nhất là thầy cô sẽ xây dựng bài giảng dựa trên bài kiểm tra đầu vào ĐH, nên bạn sẽ được chuẩn bị khả năng ngôn ngữ và kiến thức chuyên môn kỹ càng và sẵn sàng cho kì thi đó. Bạn sẽ ở Séc một thời gian dài, hãy dành cho bản thân một năm đầu tiên học tiếng và ổn định cuộc sống. Nó sẽ tạo nền tảng vững chắc để bạn sống và làm việc ở đây sau này.

Còn không thì bạn có thể học ĐH bằng tiếng Anh giống như mình (Anglo-American University & University of Finance and Administration), rồi học tiếng Séc giao tiếp ở trung tâm ngoài (CZLT). Cái này tùy vào hướng đi của mỗi người. 😀

aerial photo of brown roof town
Photo by Felix Mittermeier on Pexels.com

Học dự bị tiếng Séc mất bao nhiêu lâu và bao nhiêu tiền?

Nếu bạn muốn học bằng tiếng Séc bậc cử nhân trở lên ở trường công bằng tiếng Séc để được miễn học phí, bạn sẽ phải thi đỗ năm dự bị tiếng (mất phí, học bằng tiếng Anh và có thể xin visa du học). Sau đây là 3 trường người Việt mình hay học (cập nhật 27/12/2021)

TrườngThời gianGiá tiềnYêu cầuTrang web
Trường Kinh tế VŠE1 year109.000 CZK (approx. 4350 EUR) + 6.500 CZK (approx. 250 EUR) Registration fee A2 Englishhttps://kurzy-ceskyjazyk.vse.cz/english/one-year-long-course/
Trường Kinh tế VŠE1 semester59.000 CZK (approx. 2200 EUR) + 6.500 CZK (approx. 250 EUR) Registration fee A1-A2 Czechhttps://kurzy-ceskyjazyk.vse.cz/english/semestral-course/
Trường Nông nghiệp ČZU1 year20-30.000 CZKA2 Englishhttps://www.pef.czu.cz/en/r-9398-international-relations/r-10895-preparatory-courses
Trường Nông nghiệp ČZU6 months10-15.000 CZKA2 Englishhttps://www.pef.czu.cz/en/r-9398-international-relations/r-10895-preparatory-courses
Trường Tổng hợp UK1 yearFAST (25 lessons/week) – 4430 EUR

COMPLEX (35 lessons/week) – 5940 EUR
A2 Englishhttps://ujop.cuni.cz/en/courses/preparatory-courses-for-university-study
aerial view of concrete bridge and buildings surrounded by trees
Photo by JESHOOTS.com on Pexels.com

Làm thế nào để luyện tiếng Séc?

Trước tiên, mình phải thú nhận với mọi người là mình rất chi là lười luyện tiếng Séc luôn á. Công việc và cuộc sống xã hội của mình chỉ toàn tiếng Anh và tiếng Việt thôi, nên mình không cần tiếng Séc mấy.

Thứ hai là đây là các mẹo vặt để luyện tiếng Séc một cách thụ động, vừa học vừa chơi. Còn mình khuyên là bên cạnh đó, vẫn nên đăng ký lớp học tử tế. Như mình hơn một năm vừa rồi, thứ 7 hàng tuần học từ 10:00-13:00 lớp online của CZLT (từ A2 lên B1). Vì ở lớp thì có các bạn và thầy cô để luyện nói, xong rèn ngữ pháp, có tương tác xong bài tập về nhà cũng tạo động lực học hơn.

Thứ 3 là đây là rèn luyện qua nhiều năm tháng đó nha. Và mình cũng chọn những mẹo đơn giản và nhẹ nhàng nhất dành cho dạng siêu lười như mình rồi.

1. Duolingo Czech for English speakers

Cái này dễ thui. Chỉ 5-10 phút một ngày. Mình sử dụng Duolingo hàng ngày (available on App Store and Play Store). Năm 2020 mình streak 270 ngày nhưng chia tay người yêu phát đứt luôn streak, cay thật. Bây giờ lại bắt đầu lại được streak 1 tháng rồi nè.

2. Follow content tiếng Séc trên mạng xã hội

FB và IG đều có chức năng auto dịch nên bạn có thể học từ mới trong lúc lướt feed Bạn có thể follow người nổi tiếng như là @janekrubes @beha_nguyen, tin tức như là @ct24zive @seznamspravy hay là mấy trang hài nhảm @cesi_na_internetu @esterajosefina. FB và IG đều có chức năng auto dịch nên bạn có thể học từ hoặc cách diễn đạt mới trong lúc lướt điện thoại.

3. Viết nhật ký bằng tiếng Séc

Không cần viết nhật ký hàng ngày. Cũng không cần viết gì dài hay khó đâu. Chỉ cần viết 2-3 câu tóm tắt hôm nay làm gì hoặc mai kia có plan gì thú vị không. Mục tiêu là để bạn làm quen với một số mẫu câu đơn giản chia sẻ về bản thân, có thể sử dụng trong trò chuyện trong tương lai. Mình làm cái này 1-2 tháng rồi nè.

assorted photos and notebook
Photo by charan sai on Pexels.com

Nói chung là học tiếng Séc rất khó. Nhưng mình nghĩ là chúng ta cùng cố gắng thôi. Dù sao cũng sang đến đây rồi. Với một cái mẹo cuối, bonus tặng các bạn đã đọc đến cuối blog, là một khi tiếng Séc của các bạn đã đạt đến một trình độ nhất định, bạn sẽ thấy nó khá là sexy. Và nếu thích, các bạn có thể tải Tinder hoặc Bumble về quẹt và nhắn tin cháy máy luôn. 😀 Chúc vui!

Một số bài liên quan

7 thoughts on “Học Tiếng Séc Có Khó Không?

Add yours

  1. haha mình thích đoạn quẹt Tinder luyện trình tiếng Séc, best nha, bữa trước khi mình còn dùng Tinder cũng để một câu trên profile kiểu ‘tìm bạn luyện tiếng Séc trong khi tiếng của mình đang ở zero level’, mà không thấy có bạn nào hứng thú luông =))

    Liked by 1 person

Leave a reply to Châu Praha Cancel reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑