Các Cách Định Cư Ở Lại Séc Sau Khi Du Học

Tại sao ngay cả trong bối cảnh bệnh dịch toàn cầu người ta vẫn muốn du học? Tại sao ngày càng nhiều gia đình Việt cho con xuất ngoại? Thậm chí bán nhà bán đất, vay mượn đủ đường để con đi nước ngoài? Mình xin cá là có người sẽ nói du học để mở mang tri thức, nhưng thẳng thắn mà nói thì du học đâu cũng có một chút hoài bão định cư để đổi đời chứ, đúng không? Thế du học Séc xong định cư có dễ không? Và cần chuẩn bị gì nhỉ?

Khác biệt giữa Cư trú và Vĩnh trú ở Cộng hòa Séc

Hôm nọ, có một bạn hỏi trong nhóm Facebook Du học sinh ở Cộng hòa Séc là: “Mọi người ơi, cho em hỏi điều kiện định cư của Séc đối với du học sinh sau khi hoàn tất chương trình thạc sĩ ở Séc là gì vậy mọi người? Mình kiếm thông tin ở trang nào vậy? Em cám ơn!

Comment đầu tiên “Là phải kí hợp đồng được với 1 công ty nào đó hoặc là kết hôn hoặc là chuyển mục đích sang kinh doanh ( možná ;)))

Comment này ngắn gọn, súc tích, nhưng chưa chuẩn lắm, vì bạn kia hỏi về “điều kiện định cư” (vĩnh trú / trvalý) còn bạn này lại hiểu là “xin visa ở lại sau khi du học” (cư trú / dlouho). Mọi người thường hay nhầm hai khái niệm này với nhau.

Phân biệt giữa cư trú và vĩnh trú ở Cộng hòa Séc
Phân biệt giữa cư trú và vĩnh trú ở Cộng hòa Séc

Cư trú Dài hạn ở Séc (Long-term Residence/ Dlouhodobý Pobyt)

Cư trú dài hạn có thời hạn 1-2 năm. Điều kiện là bạn phải có mục đích: học tập, lao động, kinh doanh, v…v. Như mình (tính đến tháng 5/2020) vẫn theo cư trú dài hạn cho mục đích học tập. Có thể gọi là visa du học cho nó dễ hiểu.

Nếu bạn muốn ở lại Séc sau khi du học, không nhất thiết phải xin định cư. Bạn có thể xin visa lao động hoặc kinh doanh, đây là hai mục đích cư trú phổ biến nhất. Ngoài ra còn có thể xin cư trú với mục đích đoàn tụ gia đình, nghiên cứu, tìm việc, đầu tư,…Chúng ta sẽ nói sâu hơn ở dưới nhé.

Đọc thêm về cư trú dài hạn ở trên trang Bộ Nội Vụ Séc https://www.mvcr.cz/mvcren/article/third-country-nationals-long-term-residence.aspx

Vĩnh trú ở Séc (Định cư / Permanent Residence/ Trvalý pobyt)

Có thời hạn 10 năm. Điều kiện là bạn đã phải ở Séc liên tục 5 năm. NHƯNG đối với các bạn du học sinh, mỗi năm bạn đi học chỉ được tính là nửa năm điều kiện thôi. Nên ví dụ bạn tốt nghiệp đại học sau 3 năm thì mới tính là 1.5 năm điều kiện thôi. Bạn sẽ phải cư trú tại Séc thêm 3.5 năm nữa thì mới có thể thi vĩnh trú nhé.

Điều kiện thứ 2 là thi đỗ bằng A2 tiếng Séc.

Dễ thấy, thời hạn của vĩnh trú dài hơn, có tính ổn định hơn, cũng không khó xin, chỉ là kẹt thời gian 5 năm thôi. Chính vì chính sách định cư khá “nhàn” mà rất nhiều người Việt tìm đường sang Séc, rất đông người chọn con đường du học.

Đọc thêm về vĩnh trú ở trên trang Bộ Nội Vụ Séc https://www.mvcr.cz/mvcren/article/third-country-nationals-permanent-residence.aspx

Thế nếu bạn sắp học xong, mà vẫn chưa đủ 5 năm để xin vĩnh trú, thì làm thế nào để tiếp tục ở lại Séc?

3 cách phổ biến nhất để ở lại Séc sau khi học xong

Nếu sắp tốt nghiệp mà vẫn chưa đủ 5 năm để xin định cư thì ta sẽ lại phải xin tiếp cư trú. Đơn giản nhất thì bạn có thể…học tiếp và xin cư trú theo mục đích học tập. Học hết cử nhân thì học lên thạc sĩ, rồi lên tiến sĩ, rồi cứ học mãi cho đủ 10 năm thì sẽ được tính là đủ 5 năm điều kiện để xin định cư :))

Còn nếu bạn đã chán học rồi thì chúng ta sẽ cùng quay trở lại câu trả lời của bạn trên kia nhé: “…phải kí hợp đồng được với 1 công ty nào đó hoặc là kết hôn hoặc là chuyển mục đích sang kinh doanh.” Chúng ta cùng phân tích 3 phương án xin cư trú phổ biến nhất này nha :))

3 cách phổ biến nhất xin cư trú ở lại Séc sau khi học xong

Cách 1. Xin Cư trú ở lại Séc với Mục đích Đoàn tụ Gia đình

Đoàn tụ Gia đình/ Family Reunification/ Sloučení Rodiny

Phải nói kết hôn sau du học là xu thế của các du học sinh nữ. Phần lớn các bạn nữ sau khi tốt nghiệp ĐH Séc (có bạn còn đang học dở) sẽ lấy chồng để “ăn theo” giấy tờ của chồng. Hiện tượng này khá là phổ biến vì quan niệm “con gái có thì” và nên lấy chồng sớm, ổn định sớm, vừa có chồng, vừa có giấy tờ. Thêm nữa là con gái Việt “thuần” ngoan hiền dễ bảo hơn con gái Việt sinh ra ở bên Séc, nên dễ lấy lòng nhà chồng hơn. Đây cũng là giải pháp an toàn cho nhiều gia đình để yên tâm con gái không phải vất vả lao động mà lại yên bề gia thất.

Đọc thêm trên trang web Bộ Nội Vụ Séc https://www.mvcr.cz/mvcren/article/third-country-nationals-long-term-residence.aspx?q=Y2hudW09Nw%3d%3d

Cách 2. Xin Cư trú ở lại Séc với Mục đích Lao động

Thẻ Lao động/ Employee card/ Zaměstnanecká Karta

Để có Employee card thì có 3 điều kiện quan trọng:

  • Lương: Phải trên lương tối thiểu (năm 2021 là 15,200 CZK/tháng)
  • Số giờ làm việc: trên 15 giờ / tuần
  • Hợp đồng làm việc hoặc Giấy phép lao động (phụ thuộc vào bạn có tốt nghiệp từ đại học Séc không)

Trường hợp 1. Bạn CÓ bằng đại học Séc

Khi tìm việc, nếu bạn tốt nghiệp đại học Séc thì bạn đã có lợi thế hơn những người nước ngoài tốt nghiệp đại học nước khác, vì bạn:

  • tự động có work permit (giấy phép lao động)
  • được phép tự do tìm việc trên thị trường Séc (free entry to labor market)

Vậy thì chỉ cần tìm được công việc full-time ở một công ty tử tế trước khi hết hạn visa du học, rồi lấy hợp đồng lao động đi xin thẻ lao động là được. Thẻ lao động của bạn chính là thẻ cư trú (non-dual mode employee card). Thời hạn của thẻ lao động tối đa được 2 năm, tùy theo thời hạn của hợp đồng lao động. Do vậy, chúng ta phải nhớ đi gia hạn hợp đồng lao động để gia hạn thẻ lao động nhé. Và nếu thay đổi công việc thì phải thông báo Bộ Nội Vụ trong vòng 3 ngày nha.

Đọc thêm về thẻ non-dual mode employee card dành cho các sinh viên tốt nghiệp đại học Séc ở trên trang web của Bộ Nội Vụ nhé https://www.mvcr.cz/mvcren/article/third-country-nationals-employee-card.aspx?q=Y2hudW09Mw%3d%3d

Trường hợp 2: Bạn KHÔNG có bằng đại học Séc

Nếu bạn tốt nghiệp đại học Séc ra thì bạn sẽ vất hơn tí. Lúc này, bạn cần tìm một công ty sẵn sàng tài trợ visa lao động cho bạn. Thường thì các công ty quốc tế sẽ quen thủ tục tài trợ visa cho người nước ngoài hơn.

Luật Séc quy định các vị trí dành cho người nước ngoài phải được lên trang web của Bộ Lao Động. Công ty có 30 ngày để ưu tiên tuyển công dân EU. Sau 30 ngày không tìm được ai thì mới đến lượt công dân ngoài EU (bao gồm người Việt mình).

Vì vấn đề này nên có thể xảy ra trường hợp, công ty ưng bạn, nhưng muốn có người làm ngay chứ không muốn phải chờ 30 ngày, nên sẽ đành phải từ chối bạn. Trường hợp khác là bạn tìm việc trên trang web của Bộ Lao Động thì lại gặp phải những vị trí đã có người rồi, nhưng công ty vẫn đăng tuyển dụng “hình thức” cho đúng luật. Trong trường hợp đó, 1 là họ từ chối bạn luôn, 2 là họ vẫn cho bạn ứng tuyển như bình thường và nếu bạn giỏi hơn người mà họ cân nhắc ban đầu, thì họ sẽ chọn bạn, và người kia mất việc luôn. Nghe phũ phết.

Nói chung là sau khi người ta nhận bạn và bạn có hợp đồng lao động rồi, bạn sẽ đi xin thẻ lao động. Thẻ lao động vừa là thẻ cư trú, vừa là giấy phép lao động (work permit) của bạn (Dual mode Employee card).

Anyway bạn cũng nên tự đăng profile bản thân lên trang web Bộ Lao Động để gây chú ý với nhà tuyển dụng nhé. Mình cũng liệt kê các trang web tìm việc ở bài viết Làm thêm khi du học Séc, và khi phỏng vấn xin việc, chú ý hỏi công ty xem họ có sẵn sàng tài trợ visa cho người Việt Nam mình không nhé.

Đọc thêm về thẻ lao động dual mode employee card trên trang web Bộ Nội Vụ Séc https://www.mvcr.cz/mvcren/article/employee-card-682810.aspx

Cách 3. Xin Cư trú ở lại Séc với Mục đích Kinh doanh

Kinh doanh/ Business/ Podnikání

Giải pháp phù hợp cho các bạn sinh viên mới ra trường chắc là đăng ký kinh doanh cá thể (Osoba samostatně výdělečně činná – OSVČ) trên cơ sở giấy kinh doanh tự do Živnostenský list. Vì kinh doanh theo kiểu mở công ty thì bạn sẽ cần nhiều vốn và hiểu biết luật pháp Séc một chút.

Giấy kinh doanh tự do Živnostenský list
Giấy kinh doanh tự do Živnostenský list

Rủi ro lớn nhất của kinh doanh cá thể kiểu này là bạn phải tự kiểm soát hóa đơn, kê khai thu nhập, đóng thuế đúng theo luật, nên bạn nào không rành tiếng Séc và luật Séc lắm thì sẽ hơi vất. Kê khai sai hoặc đóng thuế muộn là bị phạt nặng phết.

Có 3 kiểu kinh doanh là:

  • kinh doanh tự do (vd bán potraviny, nhiếp ảnh) không cần khả năng chuyên môn
  • kinh doanh thủ công (vd làm nails, nhà hàng, quán cà phê) đòi hỏi khả năng chuyên môn
  • kinh doanh phụ thuộc (vd kế toán) đòi hỏi bằng cấp, khả năng chuyên môn cao

Đọc thêm thông tin về kinh doanh cá thể và cách đăng ký trên trang web của Tòa án Praha nhé (bằng tiếng Việt đấy).

Các cách xin cư trú dài hạn khác

Bạn còn có thể xin cư trú theo các mục đích khác như:

  • Tìm việc: chứng minh bạn đã tốt nghiệp đại học Séc và nếu được chấp nhận, bạn sẽ có 9 tháng tìm việc và có quyền có thể chuyển mục đích sang lao động hoặc kinh doanh. Cư trú này chỉ được cấp một lần, không được gia hạn.
  • Nghiên cứu
  • Đầu tư

Các bạn có thể đọc thêm trên trang web Bộ Nội Vụ https://www.mvcr.cz/mvcren/article/third-country-nationals-long-term-residence.aspx?q=Y2hudW09Ng%3d%3d

Muốn định cư ở lại Séc không khó, nhưng cần thời gian

Tóm lại là điều kiện định cư ở lại Séc cũng không quá khó nhằn phải không ạ? So với Anh Mỹ Úc thì thế này là nhàn rồi. Chỉ là phải xoay xở thế nào cho đủ 5 năm thôi.

Nếu bạn muốn tìm đường định cư ở Châu Âu, Cộng hòa Séc có thể là lựa chọn không tồi đâu. Bạn có thể đọc thêm về:

Chuẩn bị hồ sơ xin visa du học Séc từ A đến Z

Chọn trường du học Séc

Du học Séc hết bao nhiêu tiền?

Nếu bạn có thắc mắc gì cứ bình luận ở dưới nhé, mình sẽ cố gắng trả lời, và biết đâu lại viết cả một bài blog dài phân tích nữa hehe.

15 thoughts on “Các Cách Định Cư Ở Lại Séc Sau Khi Du Học

Add yours

  1. chào bạn, năm nay mình 30 tuổi. đang có kế hoạch du học vào năm 2022. mình tham khảo thấy có chương trình liên kết của trường ĐH Tôn Đức Thắng, mình dự định sẽ tham gia học tập.
    Bạn có thể hỗ trợ tìm hiểu giúp mình, ở độ tuổi sau 30 thì CH SÉC có chấp nhận visa du học bậc cử nhân không.
    Mình cảm ơn bạn.

    Like

    1. Tuổi tác thì ko thành vấn đề ạ ☺️. Anh chị vẫn có thể apply chg trình liên kết của ĐH. Có xin đc visa hay ko lại là chuyện khác vì xin visa du học Séc bh là khó nhưng việc này cũng ko liên quan tới tuổi tác ạ.

      Like

  2. Hi Châu,
    Mình vừa kết hôn và theo chồng sang Séc định cư. Mình có cư trú dài hạn ở Séc (Dlouhodobý Pobyt) và mình thắc mắc về học phí một chút. Ví dụ bên Mỹ khi mng kết hôn và có thẻ xanh, họ có thể xin giảm tiền học hoặc là trả rất thấp so với du học sinh. Nhưng mình không biết bên Séc thì hệ thống đó nó như vậy không? Mình có tìm hiểu một chút rằng nếu mình học bằng tiếng Séc, sẽ miễn phí hoàn toàn, nhưng nếu học ctrinh tiếng anh, sẽ phải tự trả học phí. Vậy nếu mình là dlouho và mình muốn học ctrinh nào đó bằng tiếng anh, mình vẫn phải đóng tiền full price phải không Châu? Cảm ơn Châu đã dành thời gian và trả lời mình nhé! Mong Châu có một ngày thật vui!

    Like

    1. Em chào chị, vâng đúng rồi. Vẫn phải trả full price. Các du học sinh như em cũng có giấy tờ dlouho và cũng vẫn đóng full price khi học các chương trình tiếng anh, dù là học trường công hay trường tư. Học bằng tiếng Séc ở trường công thì sẽ free 100%.

      Like

  3. Cho chú hỏi con trai chú nhận giấy chấp thuận ĐH của Czech rồi (học Thạc sỉ KT Điện). Em đang ở Canada có làm visa mà không về VN đc không ?

    Like

  4. Chào bạn, Hiện mình đã có bằng tiến sỹ của trường đại học ở Séc, nhưng phải về Việt Nam vài năm. Sau đó mình muốn sang lại Séc làm việc. Bạn giúp mình tư vấn phương án thích hợp nhé. Cảm ơn bạn.

    Like

    1. Chào bạn, xin việc ở Séc khi bạn còn đang ở Việt Nam là rất khó, vì ít công ty tài trợ visa cho người nước ngoài, nhất là từ ViệtNam vì vấn đề visa. Bạn có thể cân nhắc tìm cách sang đây bằng đường du học, nghiên cứu hoặc đoàn tụ gia đình trước, rồi khi nào đã ổn định cuộc sống tại Cộng hòa Séc rồi bạn có thể tìm việc để ở lại lâu dài.

      Like

  5. Ahoj Châu,
    Mình hỏi cái này tí. Mình đã là dhs Séc tính tới thời điểm này là 8 năm rồi. Học từ cử nhân rồi qua thạc sĩ luôn rồi. Sau đó mình xin visa 9 tháng tìm việc. Nhưng vì lí do gia dình nên mình về VN và sau đó thì k qua lại. (Vì lúc đó mình nghĩ rằng sẽ về VN xin việc). Tuy nhiên bây giờ mình đang có ý định sang lại Séc vì thị trường việc làm ở VN khó kiếm việc hơn mình nghĩ nhiều. Vậy nên cho mình hỏi là trường hợp của mình thì nếu xin lại visa bất kì ( vd như du học, lao động , kinh doanh …) thì họ sẽ không tính 8 năm trước đó của mình mà tính từ lúc mình xin visa mới đúng k Châu hay là nó sẽ tính tiếp tục cho mình vậy? Dik Châu.

    Like

    1. Ahoj c. T nghĩ là có tính 8 năm trc đó. Lúc cậu điền đơn xin vĩnh trú, có cái mục “previous stay in CZ more than 3 months” (lần trc ở Séc hơn 3 tháng) thì c điền thời gian 8 năm c ở séc vào. Trong hệ thống của bộ nội vụ vẫn sẽ lưu thông tin của c. Cụ thể bộ nội vụ tính ngày cuối cùng cậu đc tính là long term residence lần trc ở Séc là ngày nào thì c phải gọi điện hỏi họ.

      Like

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑