Chuẩn bị Hồ sơ xin visa Du học Séc Tự túc từ A đến Z

Nếu bạn đã được trường Séc nhận và đang tất bật chuẩn bị giấy tờ xin visa du học Séc, thì bài viết này dành cho bạn!

Mình xin visa du học Séc tự túc, không qua dịch vụ. Lúc chuẩn bị hồ sơ xin visa sang Séc du học năm 2015, ức chế muốn chớt! Thông tin trái chiều, khó hiểu và cũ từ đời tám tỏng rồi vẫn cứ top 1 google. Các công ty tư vấn du học mỗi nơi khuyên một kiểu. Đại sứ quán, Bộ nội vụ cũng hướng dẫn khác nhau. Nói chung là rất đau đầu! Hồi đấy mình cảm tưởng như họ cố tình làm khó, để người Việt muốn sang Séc bắt buộc phải mua dịch vụ ý. Khó chịu!

Nhưng khổ sở nhất phải nói đến công đoạn đặt lịch phỏng vấn với ĐSQ 🙂 Bước này thì mình chia sẻ chân thành là không thể tự túc được nhé, không thể cứ chờ “xét duyệt” hàng 5 6 tháng, mất cả thanh xuân =)) Ngắn gọn là cần tiền và quen biết các bạn ạ. Sự thật nó đáng buồn.

Từ khi blog này được thành lập, nhiều bạn đã nhắn tin hỏi mình tư vấn cách xin visa. Mình không làm dịch vụ visa, cũng không biết giới thiệu dịch vụ nào, vì trải nghiệm của mình với dịch vụ “đặt” lịch phỏng vấn ở trên… không được thuận lợi lắm. Mà đấy là mình còn tự chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và trường Séc đã nhận rồi nhé.

Dĩ nhiên là cuối cùng, mình cũng vẫn sang được Séc và tự thấy thế là may mắn quá, cảm ơn ông trời phù hộ độ trì. Thôi thì mình sẽ chia sẻ những thông tin cơ bản nhất về cách chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn. Còn các bạn cố gắng đặt lịch phỏng vấn bằng một phép thuật nào đó nhé =)))) Chúc may mắn.

Xin visa loại nào?

1. Visa dài hạn mục đích du học

  • Dành cho các bạn du học qua chương trình trao đổi (exchange program, học nghề ngắn hạn)
  • Thời gian học: Dưới 1 năm
  • Đơn xin visa màu trắng
  • EN: Long-term visa/long-stay visa
  • CZ: Dlouhodobého víza

2. Cư trú dài hạn mục đích du học

  • Dành cho các bạn du học bằng cử nhân (3 năm), thạc sĩ (2 năm), tiến sĩ
  • Thời gian học: Hơn 1 năm
  • Đơn xin visa màu xanh lá cây
  • EN: Long-term residence permit
  • CZ: Dlouhodobého pobyt

Chuẩn bị những giấy tờ gì?

Visa dài hạn (Long-term visa/Dlouhodobého víza)

  1. Hoàn thiện đơn xin visa trắng (tải đơn ở đây). Viết tiếng Séc, chữ in hoa.
  2. Hộ chiếu gốc
  3. 1 Ảnh thẻ
  4. Chứng minh nhà ở (giấy thuê nhà hoặc thuê phòng ký túc xá): Ghi rõ tên bạn, tên chủ sở hữu, địa chỉ nhà, thời hạn thuê, ngày bắt đầu thuê, tiền thuê, có chữ ký của chủ và bạn
  5. Chứng minh mục đích (giấy nhập học): Ghi rõ tên bạn, tên trường, địa chỉ trường, ngành học, số năm học, ngày nhập học, có chữ ký và đóng dấu của trường
  6. Chứng minh tài chính (số dư tài khoản, sổ tiết kiệm của bố mẹ). Để tính số tiền tối thiểu bạn cần có, lấy 33,000+4400*(số tháng du học-1). VD: Bạn du học từ 1/1 đến 30/6 (6 tháng) thì cần chứng minh tài khoản ngân hàng có tối thiểu: 33,000+4400*(6-1)=55,000kc
  7. Giấy chấp thuận của phụ huynh: Các bạn chưa đủ 18 tuổi thì bố mẹ phải viết giấy chấp thuận cho bạn đi du học (kể cả 17 nhưng chưa sinh nhật 18. Ví dụ như hồi mình nộp đơn. Mình sinh tháng 11, nhưng nộp đơn tháng 5 nên vẫn tính là chưa đủ 18 tuổi)
  8. Lí lịch tư pháp
  9. Giấy khám sức khỏe (không mắc bệnh truyền nhiễm)
  10. Sau khi hồ sơ đã được chấp nhận, ĐSQ sẽ mời bạn bổ sung Bảo hiểm y tế du lịch. Chú ý là khi hồ sơ được chấp nhận thì họ mới đòi hỏi, nên đừng mua trước.
  11. LƯU Ý: Tất cả các giấy tờ phải được dịch sang tiếng Séc và công chứng bởi phiên dịch viên quốc gia Séc (đọc tiếp phần sau để rõ).

Nguồn: Thông tin chính thức xin visa dài hạn du học Séc, Bộ Nội Vụ Séc.

Cư trú dài hạn (Long-term residence permit/Dlouhodobého pobyt)

  1. Hoàn thiện đơn xin visa xanh lá cây (tải đơn ở đây). Viết tiếng Séc, chữ in hoa.
  2. Hộ chiếu gốc
  3. 01 Ảnh thẻ
  4. Chứng minh nhà ở (giấy thuê nhà hoặc thuê phòng ký túc xá): Ghi rõ tên bạn, tên chủ sở hữu, địa chỉ nhà, thời hạn thuê, ngày bắt đầu thuê, tiền thuê, có chữ ký của chủ và bạn
  5. Chứng minh mục đích (giấy nhập học): Ghi rõ tên bạn, tên trường, địa chỉ trường, ngành học, số năm học, ngày nhập học, có chữ ký và đóng dấu của trường
  6. Chứng minh tài chính (số dư tài khoản, sổ tiết kiệm của bố mẹ). Để tính số tiền tối thiểu bạn cần có, lấy 33,000+4400*(số tháng du học-1). VD: Bạn du học từ 1/9 đến 31/8 (12 tháng) thì cần chứng minh tài khoản ngân hàng có tối thiểu: 33,000+4400*(12-1)=81,400kc
  7. Giấy chấp thuận của phụ huynh: Các bạn chưa đủ 18 tuổi thì bố mẹ phải viết giấy chấp thuận cho bạn đi du học (kể cả 17 nhưng chưa sinh nhật 18. Ví dụ như hồi mình nộp đơn. Mình sinh tháng 11, nhưng nộp đơn tháng 5 nên vẫn tính là chưa đủ 18 tuổi)
  8. Lí lịch tư pháp
  9. Giấy khám sức khỏe (không mắc bệnh truyền nhiễm)
  10. Sau khi hồ sơ đã được chấp nhận, ĐSQ sẽ mời bạn bổ sung Bảo hiểm y tế du lịch. Chú ý là khi hồ sơ được chấp nhận thì họ mới đòi hỏi, nên đừng mua trước.
  11. LƯU Ý: Tất cả các giấy tờ phải được dịch sang tiếng Séc và công chứng bởi phiên dịch viên quốc gia Séc (đọc tiếp phần sau để rõ).

Nguồn: Thông tin chính thức xin cư trú dài hạn du học Séc, Bộ Nội Vụ Séc

Xem video hướng dẫn điền đơn xin cư trú dài hạn (đơn màu xanh lá) ở đây:

Từng bước điền đơn cư trú dài hạn

Các bước xin visa

  1. Chuẩn bị giấy tờ. Dịch công chứng tất cả sang tiếng Séc.
  2. Đặt lịch nộp hồ sơ và phỏng vấn với ĐSQ Séc tại Hà Nội. Đây là bước nan giải và khổ sở nhất. Bạn có thể đọc thêm mẹo đặt lịch được lịch phỏng vấn xin visa Séc chót lọt và thành công nhé.
  3. Phỏng vấn. Đọc các mẹo phỏng vấn êm ru ở mục tiếp theo.
  4. Chờ xét duyệt hồ sơ. Trung bình quá trình chờ đợi kéo dài khoảng 1-2 tháng, nhưng có thể là 3-4 tháng nếu hồ sơ chưa đầy đủ và cần bổ sung nhiều lần)
  5. Hồ sơ được duyệt! ĐSQ gọi điện báo hồ sơ đã được duyệt, yêu cầu bạn bổ sung bảo hiểm y tế du lịch
  6. Nộp bảo hiểm. ĐSQ hẹn ngày đến lấy visa.
  7. Lấy được visa. Tại thời điểm này, các bạn xin cư trú dài hạn cũng chỉ nhận được visa dài hạn (dán vào hộ chiếu) chứ chưa nhận thẻ cư trú/sinh trắc (biometric card). Thẻ cư trú sẽ được làm và đưa cho bạn khi bạn đã sang Séc.
  8. Mua vé máy bay
  9. Sắp xếp hành lý
  10. Bay sang Séc
  11. Trong vòng 3 ngày đến Séc, đến sở Ngoại Kiều (foreign police/cizinecké policie) để thông báo chỗ ở.
  12. Đối với các bạn xin visa dài hạn, đến đây là xong rồi! Các bạn đã có thể yên tâm đi học. Còn các chế xin cư trú dài hạn, sau khi thông báo chỗ ở với sở Ngoại Kiều, các bạn hãy:
    1. Đặt lịch lấy sinh trắc (vân tay, chụp ảnh thẻ) với Bộ Nội Vụ. Có thể gọi điện (nói tiếng Séc) hoặc đặt hẹn online (tiếng Anh).
    2. Đến đúng hẹn để chụp ảnh, lấy vân tay. Khi chụp ảnh bạn có thể cười mỉm nhé. Không nhe răng là được. Nhân viên BNV hẹn ngày lấy thẻ sinh trắc.
    3. Đến lấy thẻ sinh trắc.

Dịch và công chứng tiếng Séc

Tất cả các giấy tờ phải được dịch sang tiếng Séc và công chứng bởi phiên dịch quốc gia Séc bằng con dấu Séc (màu xanh da trời). Đây là những người được tòa án nhà nước CH Séc ủy quyền công chứng bản dịch sang tiếng Việt hoặc Séc. Chứ đi ra văn phòng công chứng Việt Nam dịch xong đóng dấu đỏ CHXHCNVN sẽ không được chấp nhận.

Rất nhiều người đã mắc phải lỗi này khi nộp đơn du học hồi đó, và bị đuổi về, không được hẹn buổi khác luôn.

Liên hệ phiên dịch viên quốc gia

Ở Việt Nam

Chú Bắc ở Hà Nội 0986 044 789. Gọi từ ngoài VN thì bấm 00 84 986 044 789. Chú là phiên dịch quốc gia, có con dấu xanh, sẽ giúp bạn dịch và công chứng tiếng Tiệp. Lệ phí 200k VND. Mình không quảng cáo cho chú ấy vì không quen biết gì cả, chỉ nghe bạn bè giới thiệu thôi.

Ở Cộng hòa Séc

Tại Séc có hơn 100 phiên dịch quốc gia, đa số là người Việt. Tuy nhiên nhiều phiên dịch người Việt không làm đúng thủ tục và mắc nhiều lỗi khi dịch, nên có nhiều nguy cơ nhà nước không nhận bản dịch ấy. Mình khuyên các bạn tìm đến các chuyên gia ngôn ngữ sau:

  • Thạc sĩ Julie Lien Vrbkova 739 088 441. Gọi từ ngoài Séc thì bấm 00 420 739 088 441. Giá bản dịch công chứng là theo trang tiêu chuẩn, một trang tiêu chuẩn được dịch và công chứng là 400k VND. Giá từ năm 2015, bây giờ không biết giá có thay đổi không. Giấy tờ du học của mình dịch và công chứng qua cô này. Làm việc chuyên nghiệp, nhanh, chu đáo.
  • Tiến sĩ PhDr. Hana Srstková (00 420) 728 586 750, email: hana.srstkova@seznam.cz
  • Thạc sĩ Mgr. Jiri Kocourek (00 420) 603 583 690 , email: jirka.kocourek@jirkoc.cz
  • Nếu không được, các bạn có thể tìm phiên dịch tại trang http://datalot.justice.cz/justice/repznatl.nsf/$$SearchForm?OpenForm&Seq=2
con dấu xanh của phiên dịch viên quốc gia Séc
Chú ý khi dịch và công chứng giấy tờ phải tìm phiên dịch viên quốc gia Séc với con dấu xanh như vậy, có ghi họ tên, học vị và nghĩa vụ “phiên dịch viên tiếng Việt”

Thẻ sinh trắc (biometric card/Biometrika)

Minh hoạ và chức năng của thẻ sinh trắc (biometric card/biometrika)
  • Thẻ sinh trắc dành cho các bạn cư trú dài hạn (hơn 1 năm) hoặc vĩnh trú (permanent residence/Trvalý pobyt) tại Cộng hòa Séc.
  • Thẻ ghi nhớ 10 vân tay và gương mặt bạn. Ghi đầy đủ tên, ngày sinh, loại cư trú, nơi ở, và thời hạn.
  • Từ nay trở đi, bạn phải luôn luôn mang chiếc thẻ này bên người. Và phải bảo vệ nó cẩn thận!
  • Khi du lịch, phải mang cả thẻ sinh trắc và hộ chiếu.
  • Chú ý đệ đơn gia hạn thẻ ít nhất 14 ngày trước khi hết hạn nhé. Tốt nhất là, còn hơn 1 tháng là phải gia hạn rồi, vì họ xử lý hồ sơ rất lâu. Càng ngày càng lâu, đặc biệt là đối với người Việt Nam. Ghi nhớ ngày hết hạn thẻ sinh trắc vào lịch, điện thoại, báo cho người thân, để 1 tháng trước đó bạn kịp gia hạn nhé. Mình biết nhiều người đứt giấy tờ, phải về nước chỉ vì quên gia hạn đấy.
  • Nếu mất thẻ, phải báo công an và BNV để đề phòng bị ăn cắp danh tính.
  • Nếu thay đổi nhà ở, phải thông báo với BNV để làm thẻ mới.
  • Trong quá trình gia hạn thẻ sinh trắc, thẻ cũ hết hạn phải đem trả BNV. Đồng thời, nếu bạn có việc cần đi ra nước ngoài, hãy đề nghị họ cung cấp visa nối (bridging visa). Bridging visa sẽ được dán vào thẻ của bạn, thời hạn tối đa 2 tháng kể từ ngày dán. Bạn có thể đề nghị họ làm vậy ngay hôm gia hạn thẻ.

Mẹo phỏng vấn xin visa

Học bằng tiếng gì thì phỏng vấn tiếng đó.

Khi các bạn du học học bậc cử nhân trở lên, phải chứng tỏ trình độ ngôn ngữ khá tốt. Học bằng tiếng Anh thì phỏng vấn bằng tiếng Anh (như mình). Học bằng tiếng Séc thì phỏng vấn bằng tiếng Séc. Nếu sang học dự bị tiếng Séc (bằng tiếng Anh) thì phỏng vấn bằng tiếng Anh. Cố gắng phát âm chậm rãi, rõ ràng.

Nghe đồn là phỏng vấn bằng tiếng Việt cũng được, nhưng tốt nhất không nên. Có thêm phiên dịch cũng không giải quyết vấn đề gì. ĐSQ sẽ nghi ngờ khả năng học tập của bạn, vì tiếng còn không biết, nói đơn giản còn không hiểu, thì học hành nỗi gì?

“Bạn nói chậm hơn được không?”

Khi nghe chưa rõ câu hỏi, bạn hãy yêu cầu họ nhắc lại, nói to hoặc chậm hơn. Không nên nói, “tôi không hiểu”, vì họ sẽ nghĩ mình không biết tiếng.

Bình tĩnh, tự tin và luôn mỉm cười.

Nhân viên các văn phòng nhà nước phải xử lý rất nhiều hồ sơ mỗi ngày, gặp nhiều đối tượng không biết tiếng nên phải phỏng vấn qua phiên dịch, gây nhiều khó dễ cho công việc của họ, nên thái độ họ có thể hơi “củ chuối” một chút. Họ có thể càu nhàu, hoặc cau mày, hoặc thậm chí to tiếng (chẳng hạn như khi bạn không hiểu họ nói gì). Đây là chuyện hết sức bình thường. Đừng nghiêm trọng hóa. Hãy cứ điềm đạm, từ tốn giải thích, và mỉm cười thân thiện với họ. Đây là một tiểu tiết về thái độ nhưng rất quan trọng để gây ấn tượng tốt.

“Tại sao bạn muốn du học Séc?”

Hãy nói rằng bạn muốn tận hưởng một nền giáo dục tân tiến. Trường bạn chất lượng cao. Ngành học rất hay. Lịch sử Séc lâu đời. Văn hóa đặc sắc. Bạn muốn học hỏi để sau này về cống hiến, phát triển Việt Nam. –> Thể hiện nhu cầu trau dồi kiến thức và trở về Việt Nam.

“Bạn có người nhà ở bên Séc không?”

Trừ phi là người cùng một nhà (bố mẹ, anh chị em ruột), còn không thì nên nói là không có người nhà gì hết (cô dì chú bác, anh chị em họ gì kệ). Không, gia đình tôi ở Việt Nam. Tôi sẽ về với họ khi học xong.

Những câu cấm kị:

Không bao giờ nói, “Tôi sang Séc vì tôi có người nhà bên đó”. “Người Việt ở Séc đông đúc và giàu có, tôi muốn được như họ”. “Tôi không muốn ở Việt Nam. Tôi muốn xây dựng sự nghiệp và gia đình ở nước ngoài.” –> Thể hiện khả năng cao việc học chỉ là cái cớ để bạn tìm cách ở lại Séc. ĐSQ sẽ loại hồ sơ ngay lập tức!

Một số câu hỏi thường gặp:

  • Bạn sang Séc với mục đích gì? – Du học qua chương trình trao đổi/Bậc cử nhân/Thạc sĩ/Tiến sĩ
  • Tại sao bạn du học Séc?
  • Bạn sẽ học trường gì?
  • Bạn sẽ học ngành gì? Tại sao lại học ngành đó?
  • Bạn sẽ học bằng ngôn ngữ gì?
  • Bạn học tiếng được bao lâu rồi?
  • Bạn sẽ ở đâu?
  • Bạn có người nhà bên Séc không?
  • Bạn có kế hoạch gì sau khi học xong không? – Tôi sẽ về Việt Nam làm cho công ty quốc tế/ Tôi sẽ sang Đức học Thạc sĩ (Đi bất kỳ đâu ngoại trừ ở lại Séc)

Hy vọng những thông tin ở trên đã giúp ích cho bạn.

Mình xin nhấn mạnh là mình chỉ viết bài tóm tắt và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi xin visa. Chứ mình không phải đại diện nhà nước trong vấn đề này. Mọi thông tin chính thức xin các bạn đọc tại trang của Bộ Nội Vụ Séc.

Mình tuy đã gặp nhiều khó khăn khi phải tự túc chuẩn bị hồ sơ du học, nhưng lại tiết kiệm được kha khá tiền dịch vụ. Quan trọng nhất là lộ trình học tập đúng như mong muốn, tức là mình đúng trường, đúng ngành mình muốn. Chứ không bị trung tâm du học lèo lái chuyển ngành, chuyển trường theo ý của họ.

Nếu các bạn có câu hỏi gì, hãy bình luận ở dưới hoặc kết bạn với mình trên facebook và nhắn tin nhé. Chúc các bạn có bộ hồ sơ chuẩn không cần chỉnh, phỏng vấn ngon lành, và hành trình du học Séc thuận buồm xuôi gió!

Các bạn có thể đọc thêm các chủ đề liên quan

27 thoughts on “Chuẩn bị Hồ sơ xin visa Du học Séc Tự túc từ A đến Z

Add yours

  1. Em cảm ơn chị đã cung cấp những thông tin hữu ích ạ. Chị có thể giải đáp giúp em là em sang Séc học chương trình dự bị trước và chỉ có offer chương trình dự bị 1 năm thì em sẽ xin visa dài hạn hay xin cư trú dài hạn ạ? Em cảm ơn chị rất nhiều.

    Liked by 1 person

    1. Nếu bạn sang chương trình dự bị thì người ta ko tính đó là “mục đích du học”, mà sẽ gọi là “mục đích khác”. Vì bạn sang học tiếng chứ không học chuyên ngành gì cụ thể. Thì không xin đc cư trú dài hạn đâu, mà chỉ xin được visa dài hạn nhé. Dù sao thì bạn cũng nên liên hệ lại với trường hỏi cho chắc. Mình thì nghĩ là bạn phải học xong năm dự bị, rồi nếu thi đậu vào đại học/thạc sĩ thì mới xin cư trú dài hạn.

      Like

    2. Dear bạn,
      Mình là Vy, cảm ơn bạn rất nhiều vì những chia sẻ chi tiết của bạn ạ.
      Bạn cho mình hỏi là có 2 mục ĐSQ có thể yêu cầu bổ sung, gồm:
      – khám chứng minh ko mắc các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng
      – và chích ngừa các bệnh truyền nhiễm
      Vậy các bệnh này là bệnh gì ạ? Và mình cần đến đâu để khám ạ?
      Xin cảm ơn bạn rất nhiều!

      Like

  2. Dear bạn,
    Mình là Vy, cảm ơn bạn rất nhiều vì những chia sẻ chi tiết của bạn ạ.
    Bạn cho mình hỏi là có 2 mục ĐSQ có thể yêu cầu bổ sung, gồm:
    – khám chứng minh ko mắc các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng
    – và chích ngừa các bệnh truyền nhiễm
    Vậy các bệnh này là bệnh gì ạ? Và mình cần đến đâu để khám ạ?
    Xin cảm ơn bạn rất nhiều!

    Liked by 1 person

    1. Chào bạn, bệnh truyền nhiễm bạn khám ở đâu cũng đc nhé. Cứ nói là khám để đi du học là họ biết, thường là có bệnh lao, lậu, giang mai nhé.

      Like

  3. Chào chị, em đang chuẩn bị nộp đơn xin visa Séc, em có làm qua 1 bên trung tâm. Lúc đầu họ báo em chuẩn bị đủ xác nhận công việc của bố, mẹ, và bản thân em. Nhưng sau khi gửi cho họ, họ lại báo em là không cần nữa, chỉ cần sổ tiết kiệm và xác nhận số dư là chứng minh được tài chính rồi, như vậy có ổn không ạ?
    Ngoài ra, trong clip hướng dẫn điền form visa, em thấy form là giấy A3 gấp đôi lại và có viền xanh trên dưới, em có thể lấy form visa này ở đâu ạ; hay em có thể down bản mềm về rồi đi in màu ạ?
    Em cảm ơn chị nhiều.

    Like

  4. Chào chị, em và bạn cùng xin visa theo diện du học,em phỏng vấn trước bạn đó 20 ngày nhưng bạn đó 10 ngày đã có kết quả,em thì đợi hơn 1 tháng rồi mà vẫn chưa có thông tin gì,em có thể kiểm tra tình trạng đơn xin visa bằng cách nào ạ,em cảm ơn

    Liked by 1 person

    1. Hi em, c hiểu. thời gian duyệt hs du học ai may thì đc sớm, xui thì có khi 2 tháng ms có kết quả e ạ. Bh chỉ có chờ đợi thôi. E có thể gọi hoặc email đsq để hỏi status nhưng chị nghĩ là họ cũng sẽ chỉ bảo e chờ đợi phản hồi thôi. Có thể là thiếu giấy tờ gì đó và cần em bổ sung nên mất thời gian trả lời, nhưng e cũng phải chờ họ thông báo là cần bổ sung cái gì thì mới nộp thêm đc. Nếu em sợ ko xin visa kịp để vào học thì có thể email trường cho vào học muộn hoặc học online thời gian đầu. Với ktx cx thế. Cho lùi ngày nhận phòng hoặc tính phương án dự phòng là phải thuê chỗ khác.

      Đã phỏng vấn và nộp hồ sơ xong rồi thì cx sắp xong rồi. Ráng đợi kết quả thêm một chút nhé. Cố lên 😅🙌🔥

      Like

  5. Chào Châu,

    Mình còn 3 tháng nữa hết hạn thẻ cư trú và đang đọc các bước gia hạn. Châu cho mình hỏi ngày trước khi bạn gia hạn thẻ thì bạn chứng minh tài chính kiểu gì? Khi mà tiền bạc đang ở VN. Mình cảm ơn Châu nhé!

    Liked by 1 person

    1. Hi bạn, chứng minh tài chính khi gia hạn cư trú thì phải từ tài khoản ngân hàng ở Séc nên bạn có thể nhờ người thân quen ở VN chuyển tiền sang. Ngoài ra bạn cũng có thể nhờ người quen ở Séc cho vay tiền. Có một số cách “lách” khác hơi lằng nhằng như, bạn quen anh A có người thân B ở VN. Bạn có thể nhờ người thân của mình ở VN chuyển tiền VND cho B. Và A sẽ chuyển bạn CZK vào tk ngân hàng của bạn. Nói chung là vẫn phải là tk ngân hàng Séc với CZK.

      Like

  6. Chào chị, em tròn 1 tháng kể từ ngày pvan mà giờ chưa có kq, có bạn cùng tuổi em cùng ngày giờ pvan mà đuợc KQ trước em từ 12/6. Em lọ lắng hso của em sẽ bị trượt, chị có cách nào không ạ :(((

    Like

  7. Dear chị Châu, em có bằng đh dược ở VN và đã có 3 năm kinh nghiệm đi làm. Cho em hỏi là nếu em muốn tiếp tục con đường dược sĩ ở bên Séc thì em phải học lại từ đầu hay có thi chuyển đổi văn bằng được không ạ?

    Liked by 1 person

  8. Chị ơi vậy là phiên dịch và công chứng bằng dấu mộc của việt nam không được chấp nhận ạ

    Like

    1. Con dấu phải giống trong hình em nhé. Còn màu của dấu có thể màu xanh hay đỏ tuỳ màu mực, không thành vấn đề. Nhưng người công chứng phải là phiên dịch viên quốc gia CỦA SÉC, thì chỉ có một vài người ở VN đc cấp phép thôi. Chứ văn phòng công chứng bt ko có giấy phép này.

      Like

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑