Cách Viết CV Xin Việc Ở Séc

Mọi người ơi, sau hơn 1 tháng vật vã, 19 cái application, gần 10 cái phỏng vấn, và 2 cái offers thì mình đã xin được việc rồi! Thật sự rất háo hức nhưng cũng lo lắng nữa. Dù sao cũng cảm ơn tất cả mọi người đã cho mình lời khuyên và ủng hộ mình trong suốt thời gian qua. Blog này mình sẽ chia sẻ 5 điều bạn phải nhớ khi gửi hồ sơ CV xin việc ở Séc.

Photo by Sora Shimazaki on Pexels.com

Kinh nghiệm xin việc ở Séc được rút ra từ:

  1. Kinh nghiệm làm nhân sự (HR) ở công ty phần mềm SAP (Đức) 2020-2021. Tháng sau (5/2021), mình sẽ bắt đầu làm Communications Consultant cùng với các đồng nghiệp HR của công ty công nghệ NNIT (Đan Mạch). (Sau này mình sẽ viết blog chia sẻ về kinh nghiệm làm trong mảng Marketing/Communications cho công ty quốc tế nha.)
  2. Trải nghiệm thực tế của mình đi xin việc sau 1 tháng. Mình nhận được 2 offers từ SAP và NNIT. Cả 2 công việc đều đúng ngành học của mình, đó là marketing/communications. Mức lương cạnh tranh. Môi trường làm việc chuyên nghiệp, đa quốc gia. Nhưng vì hợp đồng SAP chỉ có 6 tháng, không phù hợp cho việc xin visa của mình, nên mình chọn NNIT (hợp đồng vô thời hạn).
  3. Tổng hợp từ vô vàn lời khuyên cực kỳ hữu ích mình nhận được từ các anh chị du học sinh đi trước, đồng nghiệp, bạn bè, người thân và cả người lạ trên LinkedIn. Cảm ơn tất cả mọi người!
  4. Mình thật sự muốn giúp các bạn. Xin việc có lẽ là hành trình khó khăn và mệt mỏi nhất đời mình kể từ khi thi cấp 3 ở Việt Nam lol. Mình thật sự không hiểu bằng phép thuật thần kỳ nào mình đã vượt qua được quãng thời gian vừa rồi. Đỉnh điểm của thất bại là gửi 16 cái applications thì trượt cả 16. Mình đã cực kỳ chán đời và mất phương hướng, đã tính khăn gói quả mướp về Việt Nam. Mình nghĩ, về nước cũng tốt. Ngành marketing ở Việt Nam đang phát triển, có khi còn có job ngon hơn bên đây. Hàng ngày, thậm chí hàng giờ, mình check email chỉ để thấy mấy cái rejection mail thấy ngán muốn chớt. Tự dưng thấy mình kém cỏi, ngu ngốc, vô dụng cực kỳ. Nên mình hiểu cảm giác của các bạn. Tìm việc sẽ càng ngày càng khó. Thế hệ sau còn vật vã hơn thế hệ trước. Chúng ta chỉ có thể cố gắng thôi. Vì ai rồi cũng phải trưởng thành mà huhu.
Nhớ ngày đầu nhận thực tập HR ở SAP (7/2020) mà đến nay chuẩn bị rời công ty để đi làm việc nơi khác rùi, bùn ghê tui vẫn chưa bao giờ nhìn thấy bàn làm việc của mình…

Tại sao bạn nên làm việc ở các công ty quốc tế?

  1. Đảm bảo giấy tờ để xin visa: Nếu bạn là du học sinh giống mình thì lo nhất vẫn là giấy tờ đúng không? Bạn muốn có một cái hợp đồng dài hạn, lương cao hơn mức tối thiểu, hơn 15 giờ một tuần, để bạn còn xin visa lao động chứ.
  2. Đãi ngộ tốt:
    1. Lương công ty quốc tế bao giờ cũng nhỉnh hơn mặt bằng chung thị trường. Nhìn chung, nếu ở các công ty Séc, bạn có thể kỳ vọng lương 20-35,000kc/tháng cho một đứa mới ra trường, thì ở công ty quốc tế, bạn có thể kỳ vọng lương 35,000-40,000kc/tháng cho vị trí tương tự. Không có chuyện cò quay lương. Đã kí bao nhiêu tiền là bấy nhiêu tiền (dĩ nhiên là sau khi trừ thuế má, bảo hiểm các thứ theo luật) sẽ được chuyển vào tài khoản của bạn đúng hạn.
    2. Hết giờ đóng máy. Phần lớn các công ty quốc tế quy định chỉ làm việc 8 tiếng/ngày. Hết 8 tiếng mà vẫn còn việc, nhưng không gấp rút thì để mai làm tiếp. Nếu công việc yêu cầu phải làm thêm giờ (overtime) thì họ sẽ trả thêm tiền (overtime pay) cho bạn. Ví dụ bạn làm kế toán (accountant) thì các đợt closing sẽ được yêu cầu làm thêm giờ và được trả thêm số giờ quá đó. Không có chuyện bị sếp bắt nạt phải làm 10 mấy tiếng/ngày không thêm lương.
    3. Số ngày nghỉ cũng được quy định rõ ràng và sếp khuyến khích nhân viên nghỉ đủ ngày để cân bằng công việc-cuộc sống, tăng hiệu quả làm việc.
  3. Môi trường làm việc lành mạnh, không thị phi: Phần lớn các công ty quốc tế làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh. Văn hóa lịch sự, tôn trọng quyền riêng tư của nhau. Sếp và nhân viên luôn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Không có chuyện đồng nghiệp nói xấu, dìm nhau xuống để cố ngoi lên.

OK bắt đầu đi vào 5 điều bạn phải nhớ khi gửi hồ sơ xin việc ở Séc

5 điều bạn phải nhớ khi gửi hồ sơ xin việc ở Séc

Điều 1: Bạn có chắc mình làm việc được trong môi trường quốc tế không?

Ở Prague nói riêng và Cộng hòa Séc nói chung, các công ty quốc tế luôn luôn tuyển dụng và luôn luôn thiếu nhân lực trình độ cao. Công việc thì không thiếu, cái chính là mình có đủ năng lực không 😀 Bạn thử kiếm tra xem mình có đạt tiêu chuẩn để làm việc trong môi trường quốc tế không nhé?

  1. Bạn có tự tin giao tiếp và viết bằng tiếng Anh hằng ngày không? Lấy ví dụ.
  2. Bạn có bằng đại học/ thạc sĩ không?
  3. Bạn học ngành gì? Tại sao?
  4. Bạn muốn đi làm trong lĩnh vực nào? Tại sao? Nếu ngành này không liên quan tới ngành học của bạn thì tại sao lại vậy và bạn đã làm gì để chuẩn bị cho công việc trong ngành này?
  5. Bạn có khả năng làm việc nhóm không? Lấy ví dụ.
  6. Bạn có khả năng làm việc độc lập không? Lấy ví dụ.
  7. Bạn có thể làm việc online, làm từ nhà không? Lấy ví dụ.
  8. Bạn có khả năng giải quyết vấn đề tốt không? Lấy ví dụ.
  9. Bạn đã từng làm việc trong môi trường quốc tế chưa? Lấy ví dụ.
  10. Bạn có thể học hỏi nhanh / tự học để trau dồi bản thân không? Lấy ví dụ.

Nếu bạn trả lời ngon ít nhất 8/10 câu thì bạn sẵn sàng rồi đấy. Lí do mình muốn các bạn tự vấn câu hỏi này là vì đây là những yêu cầu tối thiểu để làm việc được trong môi trường công ty quốc tế.

Với sinh viên chúng ta thì việc quan trọng nhất là thò được một chân qua cửa cái đã, rồi tích lũy thật nhiều kinh nghiệm, network với thật nhiều người, làm đẹp cái CV lên cái đã, rồi tính tiếp. Mình muốn cái bạn “lấy ví dụ” vì đây là cách nhà tuyển dụng đánh giá khả năng của bạn. Họ sẽ muốn nghe bạn chia sẻ cho họ kinh nghiệm thực tế: từ làm việc nhóm ở lớp, hoạt động ngoại khóa, làm thêm, v…v. để chứng minh khả năng của mình.

Chuẩn bị sẵn sàng để làm việc trong môi trường quốc tế và giao tiếp bằng tiếng Anh hàng ngày! (Ảnh: SAP)
Chuẩn bị sẵn sàng để làm việc trong môi trường quốc tế và giao tiếp bằng tiếng Anh hàng ngày! (Ảnh: SAP)

Điều 2: Chuẩn bị nhiều các CV cho các công việc khác nhau

Ngừng việc rải 1 cái CV đến nhiều công ty và chờ họ gọi điện “mời” bạn đến phỏng vấn. Tìm việc 2021 là bạn phải “mời” công ty đến phỏng vấn bạn. Bạn phải mời chào thật là ngọtttt thì họ mới để ý tới bạn.

Một trong những sai lầm cơ bản nhất của sinh viên là chỉ có mỗi một cái CV. Các bạn phải tùy chỉnh (customize) cái CV cho từng vị trí apply. Bởi vì mỗi vị trí công việc ở các công ty quốc tế đều rất rất cụ thể, yêu cầu những kinh nghiệm và kỹ năng rất cụ thể.

Ví dụ cùng trong ngành marketing, vị trí “social media marketing” cần kỹ năng copywriting, social media management, graphic design. Có 200-300 cái CV cho một vị trí. Nhà tuyển dụng sẽ lướt CV để tìm xem ai có đúng 3 kỹ năng này để chọn phỏng vấn. Ngược lại, vị trí “email marketing” lại cần kỹ năng HTML, CRM. Nếu ai đó apply vị trí này mà CV ghi “social media management” thì cũng thú vị đấy nhưng chả liên quan, mà lại thiếu CRM, nên bye. (Sorry các bạn mình làm ngành marketing nên mình chỉ lấy ví dụ về ngành này được thôi).

CV của bạn không có đủ chỗ để bạn liệt kê gi gỉ gì gi cái gì cũng biết. Việc yêu cầu kỹ năng A, bạn có kỹ năng A, bạn ghi kỹ năng A vô. Bạn thấy kỹ năng B có liên quan, có thể cân nhắc thêm vào hay không, nếu CV còn chỗ.

Chú ý là chỉnh sửa CV tùy theo công việc mình xin không phải là nói dối trên CV, mà là sửa từ khóa (keywords) cho khớp với mô tả công việc, để nhà tuyển dụng đọc qua là thấy bạn đúng chuẩn người mà họ cần tìm.

Mình cực ưng video sửa CV này của chị Giang Ơi nên các bạn xem tham khảo nha.

Điều 3: Tìm người giới thiệu

Không có người giới thiệu thì tỉ lệ đậu việc vào các công ty quốc tế tại Séc rất rất thấp.

Giữa tháng 2/2021, mình bắt đầu gửi 16 cái CV đi khắp bốn phương tám hướng, không có người giới thiệu. 16 cái CV đều trật lất từ vòng gửi xe. Thậm chí không được hẹn cái phỏng vấn.

Đầu tháng 3, mình gửi 3 cái CV cuối cùng, đến SAP, NNIT và Memsource đều có nhân viên đang làm ở công ty đó giới thiệu.

  • SAP: mình đang làm intern ở đây rồi nên chỉ phải qua 1 vòng phỏng vấn với manager. 2 tuần sau thì có offer
  • NNIT: bạn của bạn đại học giới thiệu, thậm chí không quen mình, chỉ nói một câu với HR và hôm sau mình được hẹn phỏng vấn luôn (mình nghĩ là mình nộp hồ sơ muộn). 2 vòng phỏng vấn, 3 bài tập về nhà khó lòi mắt (làm trong vòng 4 ngày). 1 tuần sau có offer luôn.
  • Memsource: bạn đại học giới thiệu. 3 vòng phỏng vấn. 1 vòng cuối là làm việc thử (trial day) làm quen với 5 nhân viên và làm 5 bài tập (trong vòng 3 tiếng). Từ đầu đến cuối mất hơn một tháng trời xong từ chối mình lol.

Hãy hỏi bạn bè, thầy cô, trợ giúp người thân xem họ có quen ai có thể giới thiệu bạn công việc không. Nếu xung quanh bạn không có ai tử tế hihu, thì bạn lên LinkedIn và chủ động liên hệ với nhân viên của công ty mà bạn muốn xin vào làm, làm quen, hỏi về công ty và môi trường làm việc, và xin họ giới thiệu bạn vào làm.

Chủ động liên hệ với nhân viên của công ty mà bạn muốn xin vào làm, làm quen, hỏi về công ty và môi trường làm việc, và xin họ giới thiệu bạn vào làm

Bạn đừng sợ làm quen với người lạ trên LinkedIn nhé. Mình cũng từng không tin vào cách làm này, nhưng đã làm thử và thành công. Cứ nhắn +10 người trên LinkedIn thì ít nhất cũng 2-3 người trả lời lại. Mình nhắn +10 người ở NNIT thì tất cả đều trả lời lại và trả lời cực kỳ có tâm và thân thiện luôn. Mình thấy văn hóa ở các công ty quốc tế tốt rất cởi mở và thân thiện. Nếu đó đã là công ty tốt, nhân viên của họ sẽ không ngần ngại chia sẻ thông tin với bạn và giới thiệu bạn vào làm.

Hơn nữa họ còn được công ty thưởng $ nếu giới thiệu được thành công nữa. Nên họ càng có động lực để giúp bạn. Ví dụ như nếu bạn muốn vào làm ở NNIT thì có thể liên hệ mình 😀

Điều 4: Điều tra về công ty như điều tra về crush của bạn

Thật ra lúc đầu mình gửi hồ sơ, mình cũng gửi mạnh tay lắm :D, không tìm hiểu mấy về các công ty. Cứ thấy “xịn xịn” là nộp CV vô. Cũng giống như khi bạn soi zai soi gái trên Tinder thôi. Thấy hay hay thì swipe right. Nhưng vì vậy mà 16 cái hồ sơ, trật cả 16 😀

3 cái CV cuối cùng mình gửi, 3 cái có người giới thiệu nên mình nghiêm túc hơn rất nhiều. Và mình nghĩ cũng vì thế mà vào được đến vòng cuối và còn nhận được offer 2/3. Mình tìm hiểu:

  • Công ty làm trong lĩnh vực gì? Xu hướng thị trường trong lĩnh vực này trong tương lai ra sao?
  • Ratings và reviews trên GlassdoorAtmoskop như thế nào? Cao, thấp? Có ưu nhược điểm gì?
  • Sản phẩm và dịch vụ chính của công ty là gì?
  • Đối tượng khách hàng chính là ai?
  • Báo cáo tài chính như thế nào (nếu có)? Xu hướng phát triển ra sao?
  • Quy mô của công ty đến đâu? Công ty có bao nhiêu nhân viên? Có trụ sở ở những đâu? Lý do là vì kích cỡ của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng tới môi trường làm việc. Ví dụ công ty nhỏ quá thì nghĩa là một người sẽ kiêm nhiều vị trí (áp lực lớn), công ty lớn quá thì một người chỉ phụ trách một đầu việc nhỏ (dễ bị thay thế), .v…v. Biết mấy thông tin này không phải để chảnh chọe mà kén cá chọn canh công việc, vì sinh viên ra trường thì làm gì có nhiều lựa chọn 😀 nhưng biết để chuẩn bị tinh thần phỏng vấn sau này thôi.

Đây rõ ràng là rất nhiều thông tin để nghiên cứu, nhưng cũng là những thông tin cơ bản mà ứng cử viên nào cũng nên biết, nên các bạn cố gắng tìm hiểu. Trước khi hẹn hò thì cũng phải ngồi đào insta, facebook các thứ xem lịch sử đăng của đối tượng thế nào chứ đúng không? Người tử tế mình mới chọn mặt gửi vàng được. Đi nộp CV cũng thế. Cứ phải điều tra đối tượng công ty như nào mới nhờ người quen giới thiệu, rồi nộp CV. Hành trình tìm việc sẽ suôn sẻ, thuận lợi hơn nhiều.

Điều 5: Luôn luôn đính kèm Cover Letter kèm tên người giới thiệu

Nếu CV của bạn giống cái profile trên Tinder, thì Cover Letter là những tin nhắn DMs đầu tiên giữa bạn và người ấy. Nó cũng viết mất công hơn CV vì bạn phải chia sẻ các kinh nghiệm cho khớp y chang cái job description họ đăng. Làm sao để nhà tuyển dụng đọc cái mô tả công việc xong ngó cái cover letter của bạn thấy đứa này chuẩn việc lun.

Khớp từ khóa. Trong job description nhắc tới “data management” “data analysis” “reporting” “SQL” “C++” thì nhất định trong Cover letter của bạn cũng phải nhắc tới những từ này. Dĩ nhiên là nó phải đúng với sự thật, chứ đừng nói dối.

Tập trung vào những con số biết nói. Để thể hiện sự hiệu quả trong khả năng làm việc của bạn, hãy nhấn mạnh là đóng góp của bạn đã giúp công ty cũ tăng bao nhiêu % hiệu quả làm việc, số khách hàng, sales, lợi nhuận, người theo dõi, người tham gia, v…v.

Thành tích và kết quả. Có giải thưởng, bằng chứng nhận gì, kể cả học online mà liên quan tới công việc cũng khoe ra.

Tóm lại là 5 điều bạn cần phải nhớ khi nộp hồ sơ xin việc ở công ty quốc tế tại Séc là:

  1. Kiểm tra xem mình có làm việc được trong môi trường quốc tế không
  2. Chuẩn bị nhiều các CV cho các công việc khác nhau
  3. Tìm người giới thiệu
  4. Điều tra về công ty
  5. Đính kèm Cover Letter

Tư vấn viết hồ sơ xin việc ở công ty quốc tế tại Séc

Một số công cụ CV scan chỉ ra cho bạn điểm mạnh, yếu của CV:

Đây là 2 cái mình dùng, thấy phản hồi rất chi tiết, hợp lý, và dễ hiểu. Các bạn có thể google “CV scan” sẽ ra nhiều trang web và công cụ khác nhé. Phần lớn đều miễn phí, không phải trả tiền đâu. Trừ phi bạn mua dịch vụ giúp viết CV/Cover Letter.

Bạn nào chưa tự tin lắm, có thể gửi CV đến email của mình chau.ng117@gmail.com, mình có thể chia sẻ ý kiến để giúp các bạn chỉnh sửa. Mình làm miễn phí thôi. Giúp các bạn là chính vì mình biết tìm việc ở nước ngoài rất cực, rất mệt, nếu không có ai giúp đỡ và hỗ trợ định hướng thì sẽ rất bối rối, căng thẳng. Các bạn cố gắng nha.

Bạn có đồng ý với những chia sẻ của mình hay muốn hỏi / bổ sung gì không? Bình luận ở dưới cho mình biết nha!

Các blog liên quan tới việc làm:

Tìm việc full-time sau khi tốt nghiệp

Làm thêm khi còn đang đi học

Thực tập ở công ty quốc tế

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑