Nên Về Nước Hay Định Cư Sau Khi Du Học?

Từ trước khi sang Séc du học, thậm chí là khi gia đình mình còn chưa chắc có cho mình đi không, đã rất nhiều người lớn hỏi mình học xong có về nước không. Thậm chí còn hỏi sau này có đón bố mẹ sang không. Người Việt luôn lo xa như thế. Họ lo về những điều có thể xảy ra, đáng ra nên xảy ra, nhỡ hoặc lỡ xảy ra và bỏ qua hoàn toàn những điều đang xảy ra lúc bấy giờ. Hồi trước nghèo khổ thì các gia đình phải nhìn xa trông rộng, xem mấy đời nữa gia cảnh có khá lên nổi không. Nhưng bây giờ nhiều nhà có điều kiện có lẽ vẫn sợ con mình làm rớt địa vị xã hội nên vẫn lo xa.

Hỏi chuyện làm quà “Cháu có định về Việt Nam sau này không?”

Gần đây rất nhiều bạn bè hỏi định về Việt Nam hay ở lại Séc. Làm mình nhớ lại những năm mới sang, các cô dì chú bác rất hay hỏi chuyện làm quà “Cháu có muốn sau này về Việt Nam không?”

Mình nghĩ về hay ở là một quyết định riêng tư của mỗi người. Một vấn đề rất nhạy cảm.

Thí dụ, mùa dịch này một loạt người quen của mình thất nghiệp, nghĩa là không được gia hạn visa, nghĩa là bai bai về nước. Họ có chọn về nước không? Không. Họ có phải về không? Có chứ, vì cố tình ở lại khi không có visa hợp lệ là phạm pháp. Họ ko có lựa chọn nào khác là PHẢI về nước…

Cũng có người gia cảnh khốn khó, vay mượn khắp nơi để tìm đường ra nước ngoài, bất chấp làm đủ ngành nghề, làm việc đến kiệt quệ để kiếm visa ở lại. Họ có chọn ở lại không? Không. Họ có phải ở lại không? Có chứ, vì họ không chỉ đang bươn chải để kiếm sống, mà còn để trả món nợ khổng lồ họ vay nặng lãi của cò mồi để làm visa. Họ ko có lựa chọn nào là PHẢI ở lại…

Thật ra, chúng ta chẳng bao giờ biết được hết hoàn cảnh của một người để hiểu quyết định về hay ở của họ. Nhiều khi những quyết định ấy khiến họ cũng rất khổ tâm. Họ cũng đã phải dằn vặt, suy nghĩ rất nhiều.

“Về hay ở” là quyết định khó khăn là thế, nhưng đôi khi chúng ta hay vu vơ hỏi chuyện làm quà: “Thế cậu tính về hay ở lại đấy?” —- Câu hỏi bâng quơ này lại có thể khiến họ chạnh lòng và buồn.

Quan điểm thay đổi theo thời gian

Hồi trước mình rất khó chịu khi người lớn hỏi “Cháu có định về Việt Nam không?” Nhưng rồi không hề muốn nghe câu trả lời của mình, mà lấy đó làm câu hỏi tu từ để mở bài cho bài diễn văn độc thoại của họ về chủ đề nên về nước hay ở lại nước ngoài.

Điều thú vị là kể cả khi mình đã trưởng thành, đi làm, kiếm ra tiền, độc lập tài chính và sinh sống ở nước ngoài được 7-8 năm — khi mình nói chuyện với các cô dì chú bác ở Việt Nam, họ vẫn không bao giờ care là bản thân mình muốn về hay ở. Mà họ mặc định là bố mẹ mình mới là người quyết định chủ chốt, nên họ hỏi mình lấy lệ thui, chứ câu trả lời của mình không có giá trị lắm đổi với họ lắm =))))

Nhưng nếu họ lắng nghe thì họ sẽ biết là mình đã thay đổi quan điểm về chuyện về hay ở rất nhìu lần =)))))

Mình năm 18 tuổi đã từng khẳng định không về Việt Nam. Đến năm 22-23 lại chỉ muốn về nước. Hiện tại ở tuổi 25, mình cảm thấy đâu cũng là nhà.

Mình thấy ổn với bản thân thì sống ở đâu cũng được.

Mình rất yêu đồ ăn Việt, yêu phố phường, yêu tiếng Việt (má không thấy tôi viết blog toàn tiếng Việt sao), yêu gia đình mình (họ hàng thì cần cân nhắc). Nên nếu quay về Hà Nội thì mình vẫn sẽ rất vui.

Nhưng, mình cũng ghét kẹt xe, ghét trời nóng, ghét bụi đường, ghét còi xe, ghét người ta bình luận chuyện đời riêng tư của nhau như truyền hình thực tế.

Mình cảm thấy mixed feelings về Việt Nam vào những thời điểm mình tự chất vấn về bản sắc văn hoá cá nhân. Thế nào là một người Việt chuẩn mực? Thế nào là một người mất gốc? Làm sao để vừa thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc, vừa hội tụ tinh hoa của thế giới như một global citizen thực thụ? Những câu hỏi này từng làm mình rất xẩu hổ là mình không “đủ” Việt Nam để về Việt Nam và sẽ không fit in được với xã hội.

Vì mình không chấp nhận được chính mình nên mình tự ngăn cấm bản thân về Việt Nam. Mình sợ là mình sẽ không được chào đón.

Hồi Đại học mình bị stressed lên xuống về chuyện tìm việc. Không những là tìm được việc mà còn phải việc đúng ngành, đúng đam mê, sở thích, chuyên môn, lương cao, công ty có tiếng, đãi ngộ tốt, môi trường cởi mở, quốc tế bla bla, rất nhiều yêu cầu mà mình tự đặt nặng cho bản thân.

Chính vì tiêu chuẩn tìm việc hơi thiếu thực tế này mà mình trở nên khá căng thẳng và nhạy cảm những năm cuối Đại học, và ai hỏi “thế cậu có tính về Việt Nam không?” Thì mình sẽ gần như bật khóc và trả lời: “Chứ còn gì? Tớ có tìm được việc đâu?” Đại khái là tâm trạng không tốt, sinh ra tự ti và mặc cảm, suy nghĩ luẩn quẩn về việc “buộc phải” về nước vì thất bại ở nước ngoài.

Nhưng rồi chính thời điểm mình chấp nhận là dù sống và làm việc ở Séc hay ở Việt Nam, mình vẫn sẽ chăm chỉ, nhiệt tình, hăng say với công việc và tận hưởng cuộc sống như nhau — chính thời điểm mình cảm thấy OK với bản thân nhất, thì mình được nhận vào làm ở công ty hiện tại. Và mình ở lại Séc cho đến nay.

Mình muốn dịch chuyển thì sẽ tìm ra cách để dịch chuyển.

Mình may mắn tìm được việc làm và ở lại Séc sau khi tốt nghiệp. Mình và nhiều bạn bè có nhiều đặc quyền khi được sống và làm việc ở nước ngoài, thậm chí có cơ hội định cư hay trở thành công dân.

Đối với chúng mình, việc dịch chuyển từ nước này qua nước khác trở nên đơn giản.

Khi bạn có trình độ, có ngoại ngữ, có kinh nghiệm làm việc, có mối quan hệ ở khắp nơi trên thế giới thì việc dịch chuyển không còn khó. Bạn muốn đi, bạn sẽ tìm được đường đi. Bạn muốn về, bạn lại quay về. Không có gì và không có ai có thể ngăn bước chân của bạn.

Thật ra, thời buổi này, dù bạn là tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hay Châu Âu, Châu Mỹ, thì bạn cũng sẽ có rất nhiều cơ hội. Có một chút tài chính và điều kiện, bạn có thể đi nước ngoài ngắn hạn, dài hạn, đi gần, đi xa, đi một mình, đi gia đình, có rất nhiều cách, có rất nhiều cơ hội. Cơ hội sẽ đến. Khi cơ hội đến, bạn cứ mạnh dạn chọn. Chọn gì cũng đúng. Vì nó sẽ đưa bạn đến lựa chọn tiếp theo. Và cứ thế, ta sống một đời can đảm, tự tin, không nuối tiếc.

Và câu hỏi “về hay ở” sẽ nhẹ nhõm như kiểu “hôm nay mình đi đâu nhỉ?”

3 thoughts on “Nên Về Nước Hay Định Cư Sau Khi Du Học?

Add yours

  1. Nhiều khi mình cũng tự hỏi tại sao mấy anh chị, cô chú ngoài xã hội lại phải “quan tâm” nhiều thế nhỉ? 🙂 Đến gia đình mình còn chẳng ý kiến gì mà. Về hay ở là chuyện mỗi người. Đừng đem cuộc sống của một cá nhân mà áp đặt lên tất cả mọi người.

    Liked by 1 person

  2. Bài viết hay quá Châu ơi. Mình cũng đồng quan điểm với bạn chỗ yêu đồ ăn Việt và tiếng Việt nhưng đợt vừa rồi về VN chơi thực sự sợ khói bụi và còi xe và tắc đường. Và yeah tới đâu tính tới đó sống hết mình cho thực tại còn tương lai ko phải tính quá kĩ quá chi li 🙂

    Like

  3. Chính xác và chuẩn! Tư tưởng của thế hệ mới là phải thế.
    Cứ đi sẽ đến, không đến chỗ này thì đến chỗ khác.
    Ủng hộ!

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑