Chú Ý Về Ngành Báo (Journalism)

Nếu các bạn theo dõi blog mình đã lâu thì cũng sẽ biết. Năm nay (2019), mình đã tốt nghiệp đại học ở Cộng hòa Séc với bằng Journalism & Communication (Báo chí & Truyền thông).

Mình học hoàn toàn bằng tiếng Anh theo chương trình học của Mỹ với các giáo viên Mỹ dạy. Các bạn có thể đọc bài review của mình về trường tại đây.

Nếu các bạn chưa biết gì về ngành Journalism thì nên đọc qua về nó ở đây.

Blog này sẽ nói đến 6 điều bạn nên biết trước khi theo ngành báo:

  1. Học báo không có nghĩa ra làm báo
  2. Viết không dễ, vẫn phải viết
  3. Mất ăn mất ngủ về đạo đức nhà báo
  4. Master mọi địa hình công nghệ
  5. Không tin bố con thằng nào
  6. Cứng

Nếu bạn đang cân nhắc xem ngành này có hợp với bạn không, thì hi vọng blog này sẽ giúp bạn định hướng. Đây chỉ là quan điểm cá nhân. Vậy nên, nếu đã đọc thì cũng là chỉ tham khảo thôi nha. Bài này khá dài nhưng mình hứa, ai đọc đến cuối sẽ có quà.

1. Học báo không có nghĩa ra làm nhà báo.

Nhắc đến Journalism, bạn có thể tưởng tượng đến đài truyền hình VTV, Báo Hoa Học Trò, hay đài radio trên ô tô bố bạn vẫn bật lên cho “đỡ buồn.” Đó là một số hình thức báo chí truyền thống.

Định nghĩa journalism theo Viện Báo Chí Mỹ là “journalism is the activity of gathering, assessing, creating, and presenting news and information. It is also the product of these activities.

Học Journalism là học cách thu thập thông tin. Đánh giá. Trình bày lại thông tin ấy cho khán giả. Có thể hiểu là học cách kể chuyện (story-telling). Báo chí hiện đại cũng đã mở rộng “địa bàn” hoạt động.

Photo by esamvaad

Ngày nay, bạn có thể kể chuyện qua câu chữ, qua lời nói (dẫn chương trình), chụp ảnh, quay phim, làm phim phóng sự, thiết kế đồ họa, vẽ minh họa, làm kỹ xảo, tương tác trên mạng xã hội,…

Bên cạnh làm báo, có rất nhiều ngành nghề cần kỹ năng kể chuyện. Như là marketing, PR, quảng cáo, MC dẫn chương trình. Thậm chí là bán hàng, nếu bạn dẻo mỏ. Mới đây, có nghề “Chuyên viên mạng xã hội” mới lên ngôi. Nghe tưởng dễ chứ khó phết vì các công cụ thay đổi liên tục.

Thậm chí, kể chuyện hay, giỏi, các bạn có thể dấn thân vào ngành giải trí. Làm blogger, youtuber, vlogger, mở dịch vụ quay phim, chụp ảnh. Tham gia showbiz.

Bạn cũng có thể viết sách, làm biên phiên dịch. Cơ hội tìm việc là rất nhiều. Chứ không hề gói gọn chỉ có đi làm phóng viên đưa tin đâu.

Ở Việt Nam, mức lương các nghề liên quan đến báo chí, truyền thông dao động trong khoảng 7-12 triệu VNĐ/tháng cho người mới vào. Nhìn chung, lương làm cho doanh nghiệp cao hơn làm cho tòa soạn. Cụ thể mức lương các bạn có thể tham khảo trên các trang tìm việc, ví dụ như GoodCV.

2. Viết không dễ, vẫn phải viết

Đúng là ngày nay có rất nhiều cách khác nhau để đưa tin. Nhưng kỹ năng cơ bản nhất của nhà báo vẫn là ghi chép và viết lách. Không thể tránh được.

Khi học ngành báo, bạn sẽ bắt buộc học một số môn liên quan đến viết như:

  • Viết phóng sự (Newswriting)
  • Viết tin (Reporting)
  • Điều tra (Investigative)
  • Viết reviews
  • Góc nhìn (Columns)
  • Viết bài tiêu điểm (feature writing)

Một số hoạt động khác liên quan đến viết lách là viết kịch bản chương trình, liên hệ người phỏng vấn, tốc kí,… Đều là những kỹ năng khó, đòi hỏi nhiều luyện tập.

Nếu bạn lười hoặc sợ viết thì sẽ rất vất để theo học báo chí, truyền thông đấy.

Nếu bạn học bằng tiếng Anh, trình độ tiếng Anh nên ở mức C2, IELTS >7.5, TOEFL >100 nhé. TOEFL của mình 113, nghĩa là khoảng 8.0-8.5 IELTS và vẫn phải cố gắng đọc và luyện viết rất nhiều để tiến bộ.

Đây là một blog dạy cách luyện viết mình thấy rất có ích. Được viết bởi nhân viên của Buffer, một ứng dụng cho phép người dùng lên lịch đăng bài trên mạng xã hội.

3. Mất ăn mất ngủ vì đạo đức nhà báo

Thầy cô và sách giáo khoa dạy bạn rằng mục tiêu của journalism là tìm kiếm và phơi bầy sự thật. Điều này là đúng.

Nhưng.

Hề hề, bao giờ cũng là chữ “nhưng”. Thực tế thì mỗi tòa báo sẽ có những mục tiêu khác nhau tùy theo nhu cầu thị trường, nhu cầu các nhà tài trợ / quảng cáo, tình hình chính trị-xã hội, tình hình tài chính của chính tòa báo.

Series THE MORNING SHOW miêu tả khó khăn những người làm truyền hình gặp phải

Mục đích của journalism lúc này sẽ thay đổi, thêm thắt, ví dụ như:

  • Để giáo dục người đọc
  • Để điều khiển dư luận
  • Để giải trí
  • Để thu hút nhiều người xem, bán quảng cáo
  • Để phơi bày những góc khuất
  • Để đánh lạc hướng công chúng
  • Để giải thích một cách dễ hiểu những vấn đề hóc búa
  • Để gây hoang mang
  • Để gợi mở những thảo luận xoay quanh những vấn đề nhức nhối

Khi đưa tin về bất cứ vấn đề gì, bạn sẽ phải cân nhắc mọi khía cạnh xung quanh. Đồng thời, nhận thức rõ ràng những định kiến cá nhân bạn có. Để ra một bài viết chính xác, khách quan nhất có thể, nhưng cũng phải vừa dễ hiểu vừa gây kích thích, thu hút người đọc.

Việc phải cân bằng nhiều yếu tố khác nhau để cho ra một bài viết “đạt chuẩn” có thể sẽ làm bạn mệt mỏi đến kiệt quệ.

4. Master mọi địa hình công nghệ

Học đại học có một vấn đề lớn nhất là không bao giờ bắt kịp các xu hướng công nghệ trên thị trường. Đây là thực tế ở tất cả các trường đại học trên toàn thế giới. Ngay cả những trường danh giá nhất.

Bởi vì mỗi phút, một công cụ làm việc mới lại ra đời. Nên bạn sẽ phải tự mày mò, học hỏi rất nhiều bên ngoài lớp học.

Bạn không thể chống lại cuộc cách mạng công nghệ này. Hãy thích nghi và tận dụng nó.

MOJO = MOBILE JOURNALIST: Phóng viên điện thoại

5. Không tin bố con thằng nào

Để học được journalism, bạn phải trở thành thám tử Sherlock. Rèn cho bản thân tư duy phản biện, logic thật tốt. Điều tra kỹ lưỡng mọi manh mối.

Không được cảm tính. Càng không được cảm tình. Phải thật tỉnh.

Mỗi tác giả, tòa báo, kênh truyền hình, phóng sự đều không hoàn chỉnh. Đó là tất yếu. Vậy nên bạn sẽ phải tham khảo, kiểm chứng rất nhiều nguồn. Đặc biệt là những đề tài nhạy cảm.

Thậm chí điều tra về lai lịch tác giả, cơ cấu tổ chức của tòa soạn, các mối quan hệ nội bộ để xem độ chính xác ở mức nào.

6. Cứng

Dù chuyên mục của bạn là gì đi nữa, cũng có lúc bản phải động vào những điểm nhạy cảm.

Ví dụ như mình viết cái blog này cũng về chủ đề du học Séc, nghe rất vô thưởng vô phạt. Nhưng, mình cũng phải viết về tệ nạn mua bán visa ở chợ đen, hay tình trạng người Việt mượn cớ du học để sang làm chui.

Nếu bạn không đào sâu thì bạn chỉ viết những cái ai cũng biết. Đọc làm gì cho mất thời gian.

Đồng thời, nếu bạn đã quyết tâm phơi bày những góc khuất, thì phải có gan chịu trách nhiệm với hệ quả của nó aka phản hồi của độc giả.

Khi đi học, những bài đầu tiên bạn viết ở các lớp đưa tin, phóng sự, sẽ bị vùi dập, sửa sai choe choét, phê bình be bét. Bạn không được tự ái. Không được nản chí.

Thật ra nên mừng thì đúng hơn. Vì bây giờ, bạn vẫn còn thầy cô chỉ dẫn. Cũng chỉ có họ đọc bài của bạn. Sau này, sẽ là nhiều người khác. Đặc biệt cư dân mạng thì không được lịch sự lắm.

Sẽ có người nói đông nói tây. Khen, chê bài viết. Rồi thậm chí chỉ trích người viết. Lôi cả học vấn, gia cảnh, quê quán bạn ra chửi.

Bạn phải thật vững.

Bạn phải bình tĩnh đối diện với những phản hồi đó. Lọc ra những cái mang tính xây dựng, xem có hợp lý không. Có thì tiếp thu, không thì next. Không được tự ái, bảo thủ.

Cầm bút là cầm súng

Ngòi bút của bạn là một thứ vũ khí sắc bén. Mỗi con chữ là một viên đạn. Có thể cứu, cũng có thể giết. Đừng phí đạn.

Nếu bạn đã đọc đến đây thì bạn cũng nghiêm túc với ngành này phết đấy. Tặng bạn link xem phim The Morning Show nè.

3 thoughts on “Chú Ý Về Ngành Báo (Journalism)

Add yours

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑