Sự Thật Về Du học Séc: Được Và Mất Gì?

Trước tiên, mình xin *CẢ NHÀ CHÚ Ý* là mình không làm cho trung tâm du học nào hết, không làm dịch vụ xin visa và càng không tham gia vào đường dây buôn bán người sang Châu Âu nhé (có thì đã giàu và không có thời gian viết blog vì bận đếm tiền hớ hớ).

Việc xin visa du học Séc nói chung trước nay đều rất là phức tạp. Bài này sẽ chỉ là về việc du học Séc từ năm 2015 của mình có gì vui, có gì chưa vui lắm, và nhìn chung là có đáng đồng tiền bát gạo không.

Lý do mình du học Séc

Năm 17 tuổi, mình ước mơ 2 điều:

  • Học ĐH ngành báo chí/truyền thông ở một nước Phương Tây
  • Du học với chi phí vừa phải

Mình được người thân gợi ý du học Séc. Sau nhiều nghiên cứu đã chọn được trường phù hợp và du học sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Càng ở Séc lâu, mình càng thấy đây là một lựa chọn đúng đắn. Mình sẽ nói thêm về những điểm tốt của Praha ở đoạn sau.

Quá trình xin visa du học Séc

Tính đến năm 2019, người Việt nhìn chung rất khó xin visa vào Cộng hòa Séc vì quá tải đơn, cộng thêm vấn nạn tham nhũng và buôn người.

Mình được trường ĐH nhận từ tháng 2, mà tháng 9 mới xin được visa. Mất 5 tháng trời chờ ĐSQ sắp xếp cho lịch phỏng vấn xin visa, xong lại gần 2 tháng chờ xét duyệt. Kết cục bị muộn học 1 tháng liền. May mà trường vẫn cho vào học.

Những bài học mình rút ra từ trải nghiệm xin visa này các bạn có thể đọc ở blog:

Thuận lợi khi du học Séc

Cuộc sống ở Séc rất yên bình. Con người ôn hòa, bình đẳng, ít phân biệt. Mức lương / chi phí sống cũng ok. Dễ kiếm việc, ít cạnh tranh. Luật nhập cư không cởi mở nhưng cũng không quá khó khăn.

Chợ người Việt với đủ thứ quà Việt tươi ngon, đúng điệu quê nhà

Có 4 điểm cộng chính về Cộng hòa Séc đó là:

  1. Cộng hòa Séc nằm ở trái tim Châu âu, thuộc khối Schengen. Bao quanh bởi Ba Lan, Slovakia, Đức, Áo. Tiện lợi cho việc du lịch, trải nghiệm các nền văn hóa mà không cần xin visa.
  2. Chi phí vừa phải. Miễn học phí nếu học bằng tiếng Séc. Một tháng chi phí ăn ở vào khoảng 6-7,000kc (2019). Cụ thể chi tiêu đọc thêm Du học Séc hết bao nhiêu tiền?
  3. Khả năng xin việc ở lại cao, đặc biệt là các ngành IT, tài chính, kế toán, marketing. Các bạn có chuyên môn tốt và ngoại ngữ dễ xin việc ở các tập đoàn quốc tế, mà không cần biết tiếng Séc. Tỉ lệ thất nghiệp của Séc đang thấp nhất EU.
  4. Cộng đồng người Việt đông vui. Tính đến 2019, có gần 100,000 người Việt cư trú tại Séc, tập trung chính ở Trung tâm thương mại SAPA ở Praha 4. Người Việt được chính phủ Séc công nhận là một dân tộc thiểu số. Ở các văn phòng công, có các tờ rơi, bảng hướng dẫn bằng tiếng Việt.

Khó khăn khi du học Séc

  1. Rất khó xin visa. Đầu năm 2019, chính phủ Séc tạm ngừng cấp visa cho người Việt sang lao động do vấn đề an ninh. Hiện tại đã mở lại. Tuy nhiên việc xin visa rất bất cập, trong đó khó nhất là đặt lịch phỏng vấn với đại sứ quán.
  2. Thủ tục hành chính rườm rà.
  3. Tiếng Séc là một trong những ngôn ngữ khó học nhất trên thế giới. Nhưng muốn định cư lâu dài thì phải học tiếng Séc. Tại các văn phòng công như Sở ngoại kiều (foreign police), bệnh viện, bưu điện, ngân hàng họ ít nói tiếng Anh.
  4. Phân biệt chủng tộc ít nhưng vẫn tồn tại. Đặc biệt là người già, nhà quê, họ kỳ thị người ngoại quốc chứ không cứ gì chỉ Việt Nam mình. Cả Nga, Mỹ, đen, trắng, ghét hết. Họ tin là người nhập cư đến để cạnh tranh việc làm với người bản địa và ăn bám trợ cấp chính phủ.

Du học Séc có đáng tiền không?

Đáng tiền. Mặc dù hai năm đầu sang thì không vui lắm. Tình yêu với Séc lên bổng xuống trầm. Lần đầu sang năm 2014 với tư cách một du khách thì dĩ nhiên chích mê. Đến lúc sang du học 1 năm sau, đi đâu cũng bị chửi vì không biết tiếng 🙂 Nghỉ đông vừa nhớ nhà vừa chán đời, ngày nào cũng khóc. Hận cả thế giới =))

Cơ mà nhờ có khoảng thời gian đó mà cũng trưởng thành, mạnh mẽ hơn nhiều. Có động lực học tiếng Séc. Tìm bạn bè mới. Đi làm thêm. Nuôi dưỡng những sở thích cá nhân (chụp ảnh và viết blog chẳng hạn). Thân với má hơn vì có vui buồn gì cũng tâm sự nạ. Bây giờ đọc lại blog hồi mới du học thấy căng thẳng quá =)))) nói cái gì cũng bốc lửa hận thù vậy đó.

Nếu bạn có ý định du học, hãy dành vài phút ngẫm 5 lời khuyên du học sinh Séc cần biết và cho mình biết cảm nhận nhé!

15 thoughts on “Sự Thật Về Du học Séc: Được Và Mất Gì?

Add yours

  1. Ôi mình cũng từng xin visa dạng du học trao đổi năm 2013 mà toát hết cả mồ hôi vì delay 2 tháng so với chương trình học =)) đọc bài của Châu lại nhớ lại thời gian đó. Nhưng bù lại Séc và Praha đẹp mê mẩn, hơn Pháp, hơn Hung, hơn nhiều lần Đức :))

    Like

    1. Thiệt lun hả? 😀 Cá nhân mình đã đi qua 10 mấy nước Châu âu cũng thấy Praha đẹp nhất theo kiểu yên bình, dễ thương, nhỏ nhắn, cổ kính. Còn chuyện visa khổ miễn bàn lun ý!!

      Liked by 1 person

  2. Mình có đứa cháu muốn sang bên đó học lớp 10 nhưng chưa biết tiếng rành để thi vô . Làm ơn tư vấn dùm mình chốt học tiếng và nơi ăn ở vì cháu< 18t và cháu có thẻ xanh bên đó rồi! Cảm ơn nhiều!

    Like

  3. Hi chị, em lên đây muốn hỏi. Theo đường du học cụ thể học trường ostrava nhưng lại sang làm việc chỗ praha, có người thân bên đó bảo lãnh thì việc e sang đó làm được coi là bất hợp pháp không chị? Hay phải bắt buộc học 6 tháng rồi chuyển sang giấy tờ lao động chị nhỉ. À chị ơi, chị gặp trường hợp nào bạn nào đang học 12 mà đăng kí dvu đi du học nộp bằng cấp 2 rồi mà không nộp bằng tốt nghiệp thpt nữa không chị? Hiện tại em đang lo em đăng kí dvu không uy tín, e tưởng du học séc hầu như cần bằng thpt. Em mong chị phản hồi sớm ạ, thank u chị

    Liked by 1 person

    1. Hi em, chị ko làm dịch vụ nên chị cx ko biết có hiểu đúng câu hỏi của e ko.

      Nếu ng thân bảo lãnh theo kiểu visa du lịch hoặc thăm thân, nghĩa là ngắn hạn, thì hết hạn visa mình phải về nước e ạ. Mình ở lại khi visa đã hết hạn thì sẽ là phạm pháp.

      Nếu người thân này bảo lãnh theo kiểu “đoàn tụ gia đình” thì em sẽ có visa dài hạn, còn gọi là “cư trú dài hạn” thì em có thể ở vài năm ở Séc. Hạn sẽ dài hơn visa “thăm thân” ở trên.

      Còn xin visa du học thì phải đi học đấy em ạ. Vì em xin học trg ostrava mà lại sống ở Praha và ko đến trường ở ostrava thì sẽ bị đuổi học nhé. Và như vậy mình lại bị cắt visa và phải về nước em à. Nên 6 tháng đầu tiên em phải sống ở Ostrava mà đi học nhé. Sau đó muốn chuyển sang giấy tờ lao động cx đc.

      Bằng tốt nghiệp thpt có thể nộp sau, nhưng vẫn cần “bằng tốt nghiệp tạm thời” nhé. Em có thể hỏi phòng hành chính của trg mình về loại giấy tờ này cho mục đích du học. Em sẽ phải chuyển đổi tương đương bằng của Việt Nam sang bằng cấp của Séc, để xin học nhé.

      Like

    1. Như chị nói nhé, đuổi hay ko phụ thuộc vào kiểu visa em xin nhé. Đơn giản là nếu em xin visa lao động thì em đi lao động kiếm tiền thoải mái. Có hợp đồng lao động thì xin visa lao động. Em xin visa du học thì em phải đến trường. Em ko đi học thì em sẽ bị đuổi học. Em xin visa thăm thân thì em chỉ sang đc ngắn hạn thôi, muốn đi làm thì phải đệ đơn từ đầu từ Việt Nam.

      Like

      1. Chào em, con gái mình có nguyện vọng đi du học tại Séc, năm nay con đang học lớp 9 tại Việt Nam, con học tốt các môn Toán, Lý, Hóa. Gia đình mình dự kiến hè sang năm sẽ cho con học tiếng Séc để nỗ lực thi chứng chỉ tiếng Séc.
        Mình phiền Châu chia sẻ kinh nghiệm giúp mình kinh nghiệm và lộ trình tìm thông tin các trường, tìm nơi học tiếng Séc và các thông tin về thủ tục visa với Châu nhé.
        Số Zalo, Viber của mình là 0982.030.627 Châu ạ, phiền em giúp mình thông tin trên với nhé. Hoặc em cho mình xin số của em để mình liên hệ với Châu, em nhé.
        Cảm ơn em nhiều lắm!

        Like

      2. Chị ơi, em cảm ơn chị đã đọc blog nhưng không làm tư vấn du học đâu ạ. Em chỉ viết chia sẻ kinh nghiệm cá nhân thế thôi chứ không làm kinh doanh ạ. Chị có thể liên hệ trung tâm Sangu.eu hoặc chú Lê Duy Kỳ leduyky@seznam.cz

        Like

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑