Những Khó Khăn Khi Du Học Séc

Điều gì đã khiến nhiều du học sinh Séc hối tiếc quyết định du học? Nếu du học Séc không như mong đợi, tại sao nhiều người vẫn đổ xô đi? Du học Séc có những mặt trái gì mà người Việt ít biết?

Du học Séc chỉ là cái cớ

Đối phó với chính sách nhập cư ngày càng ngặt nghèo của Cộng hòa Séc, rất nhiều gia đình đã gợi ý con em mình lấy cớ “du học” để xin visa. Sang 1 2 kỳ thì bỏ dở đi làm.

Trào lưu bỏ học dẫn đến tỉ lệ tốt nghiệp của du học sinh Việt tại Séc rất thấp. Học sinh rơi rụng như mít vào mùa. Chính phủ Séc ngày càng nghi ngờ động cơ của các du học sinh Việt, bao gồm các bạn du học đúng nghĩa. Việc xin visa lại càng trở nên khó khăn.

Dụ dỗ đồng hương bỏ học

Lựa chọn học hay không là quyền tự do của mỗi người. Nhưng hãy là người đưa ra quyết định ấy cho bản thân. Đừng để người ta nói ngả nói nghiêng mà buồn chán, bỏ dở.

Những người cà khịa quyết định học Đại học của bạn thường là những người cũng chẳng bằng cấp gì. Họ thường coi trọng đồng tiền hơn tri thức. Một số câu xỉa xói hay gặp là “mày đi học như thế ra trường lương có bằng đứa tốt nghiệp tiểu học không?” hoặc mỉa mai “tháng gửi về cho bố mẹ được bao nhiêu?”

Lôi kéo du học sinh chạy theo đồng tiền

Giá trị cốt lõi của mỗi người khác nhau. Có người muốn chu cấp tài chính cho gia đình. Có người muốn xây dựng sự nghiệp theo đúng đam mê. Có người muốn du lịch khám phá thế giới. Không ai đúng, chẳng ai sai. Không có một “hệ quy chiếu” chuẩn nào để đánh giá, “mày không gửi tiền về cho bố mẹ là bất hiếu.” Nếu giá trị cốt lõi của bạn là tri thức. Bạn muốn đi học để nâng cao hiểu biết và nhận thức. Tại sao không? Ai có quyền cấm đoán bạn?

So sánh bằng cấp, lương lậu, nhà xe là những thói quen khó bỏ của người Việt. Thay đổi người khác thì khó. Nhưng bạn có thể bắt đầu với thay đổi bản thân. Đừng đánh giá mình dựa trên những yếu tố tài chính, chức danh. Ngưng so sánh bản thân với những người kiếm được nhiều tiền hơn, xinh đẹp hơn, ăn diện hơn, làm công ty to hơn. Hãy vui cho họ. Chúc mừng họ.

Hãy dẹp những so sánh đố kị ra khỏi đầu và tự hỏi, mình có hài lòng với học tập và cuộc sống hiện tại không? Bản thân mình chưa hài lòng ở đâu? Mình tự cảm thấy bất mãn, hay vì bình phẩm của người khác mà sinh bất mãn?

Đừng để đồng tiền làm lu mờ mục đích du học ban đầu của bạn.

Nghĩ dài hạn về du học Séc

Nếu bạn bỏ học ngày hôm nay và đi làm (chắc là cho người Việt), có thể bạn kiếm được 2 3 lần mấy đứa có bằng ĐH. Nhưng nhiều khả năng là bạn sẽ phải lao động vất vả, ít ngày nghỉ. Môi trường làm việc độc hại, lắm thị phi, cạnh tranh không lành mạnh, công việc buồn tẻ, quanh quẩn. Và chỉ tầm vài năm là bạn ngấy tới tận cổ, và bế tắc. Nhiều người muốn “ăn lớn” thì làm chui, kinh doanh bất hợp pháp, trốn thuế, lúc nào cũng lo bị công an bắt.

Nếu bạn tiếp tục học và tốt nghiệp với bằng Đại học. Bạn biết tiếng. Bạn có thể đi làm cho công ty Séc hoặc quốc tế. Lương khởi điểm có thể không bằng đi làm công việc chân tay. Nhưng có cơ hội thăng tiến. Môi trường làm việc chuyên nghiệp, chú trọng phát triển cá nhân. Đãi ngộ rõ ràng. Được nghỉ cuối tuần, nghỉ phép, nghĩ lễ đủ cả. Đóng thuế, bảo hiểm xã hội đầy đủ. Sống đàng hoàng, cống hiến cho xã hội. Nếu được làm đúng ngành yêu thích thì còn gì bằng.

Du học Séc cần bản lĩnh

Nhắc đến chữ “du học”, cái đầu tiên người ta nghĩ đến là tiền. Du học hết bao nhiêu tiền? Học bổng được bao nhiêu tiền? Làm thêm đỡ được bao nhiêu tiền? Trợ cấp thêm bao nhiêu tiền? Tiền. Tiền. Tiền.

Tài chính là một nỗi lo thường trực. Dĩ nhiên! Vì tiền là thứ ta nhìn thấy được, cầm được, tiêu được. Gánh nặng tài chính là một nỗi khổ rất cụ thể, rõ ràng, chân thật đến trần trụi. Ví dụ sinh viên không có nhiều tiền phải ăn uống tiết kiệm, cấm đi chơi ăn hàng, thuê nhà khiêm tốn chút.

Đồng tiền Séc

Nhưng bên cạnh đó, có một nỗi lo khác ít ai nhắc đến. Đó là gánh nặng tinh thần — một thứ không hình thù, màu sắc, chẳng sờ, chẳng nắm được, nhưng ảnh hưởng của nó lên hiệu quả công việc và chất lượng sống của con người là rất lớn.

Lớp cấp 3 của mình có 35 học sinh, 30 đứa du học. Đến rất nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là Mỹ, Anh, Nhật và Hàn. Nói không điêu là một nửa đã từng trầm cảm trong thời gian du học, bao gồm có mình.

Ở Séc, mình quen những bạn trầm cảm nặng đến mức rớt môn liên tục, mãi không tốt nghiệp được, phải nghỉ học, dẫn đến đứt giấy tờ, sau phải thuê luật sư bào chữa để quay trở lại học. Trầm cảm có thể là một trạng thái vô hình, nhưng hậu quả thì hữu hình như vậy.

Hãy tưởng tượng các bạn du học một mình, không có gia đình bên cạnh, không biết tiếng Séc, ít bạn bè, lúc nào cũng cắm đầu cắm cổ học để đạt điểm cao và giữ học bổng. Chưa hết, đi làm thêm nhiều khi bị bóc lột lại chẳng có cơ hội thăng tiến. Có vui được không?

Du học Séc chưa chắc đã phù hợp với bạn

Có bạn nghe người ta rủ rê, bỏ học đi làm. Ở mấy năm vẫn không biết tiếng, chẳng bằng cấp học hành gì, có khi còn làm chui, giấy tờ không có, đi ở nhờ, sống chui lủi, trốn tránh.

Có bạn sang trời Tây, sống tự do không cha mẹ, bắt đầu tiệc tùng, hút chích, chơi bời quên ngày quên đêm.

Nhiều bạn sang trầm cảm. Học hành sa sút, thi mãi không qua, cuối cùng bố mẹ phải đón về, bỏ dở học hành. Nhiều bạn ra trường không tìm được việc làm phù hợp. Nhiều bạn trở nên xa cách với gia đình và bạn bè cũ. Nhiều bạn đánh mất bản thân vì mải chạy đuổi theo đồng tiền.

Đừng bảo mình dọa. Sự thật là như thế, chẳng qua ai cũng muốn giấu. Người ở nhà thì muốn biện minh cho tư tưởng sính ngoại, Tây chắc chắn tốt hơn ta. Người đã sang thì muốn giữ sĩ diện, sợ đánh giá, ta đi Tây chắc chắn khá hơn đứa ngồi nhà. Thế là một vòng luẩn quẩn không ai dám lên tiếng về những vấn đề xung quanh du học.

Đây cũng là để nhắc nhở các vị phụ huynh đừng kỳ vọng quá đà vào các con vàng con bạc. Chỉ vì các vị đầu tư tiền tỉ vào các con, không có nghĩa là các con sẽ kiếm tiền tỉ giả lại các vị sau mấy năm ra trường. Chỉ vì các vị ngậm ngùi gửi con sang bển, không có nghĩa là một ngày, các con sẽ trở về mặt mày nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, tốt đẹp bội phần. Khi du học, ngoài học tập, còn rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự trưởng thành của con người.

Tóm lại là nên suy nghĩ kĩ trước khi quyết định du học Séc

Năm đầu du học Séc mình đã rất buồn và thất vọng.

Mình từng chê trường đại học đủ đường, từ học phí đến giáo viên, đến giáo trình, đến cơ sở vật chất. Không chừa một cái gì. Cuộc sống tại Séc cũng không làm mình hài lòng. Sau này quen thêm nhiều du học sinh khác, phần lớn đều chia sẻ cảm xúc chán chường tương tự.

Sau bốn năm sinh sống và học tập tại Séc, mình cuối cùng cũng trở nên quen thuộc hơn với con người, lối sống sinh hoạt, ngôn ngữ bản địa. Từ đó, hài lòng hơn nhiều về cuộc sống. Nhưng trước đây thì không. Quá trình thích nghi không hề đơn giản.

Một trong những lý do mình bất mãn, buồn phiền năm 2 đại học là vì mình không có một mục tiêu du học rõ ràng. Khi gặp khó khăn, mình dễ mất phương hướng, chán nản và trách móc những người xung quanh.

Du học không phải là giải pháp cho những vấn đề bạn đang gặp phải ở Việt Nam. Du học tự nó là một vấn đề.

Lớn lên trong trào lưu xuất ngoại, ngắm nhìn Việt Nam khốn khổ khốn sở vật lộn với tình trạng chảy máu chất xám, và bản thân là một du học sinh, mình không khỏi đặt những câu hỏi:

  • Tại sao nên du học?
  • Tại sao phải xa gia đình và đến một vùng đất lạ để học tập từ những người nước ngoài?
  • Cuộc sống ở bển có cái gì mà ở nhà không có?
  • Cái đích cuối cùng của một chuyến du học là gì?
  • Làm thế nào để đo được “thành công” của một cựu du học sinh?

Đây là những câu hỏi mở mà mình nghĩ các phụ huynh và các con nên thảo luận với nhau trước khi đưa ra quyết định du học. Cố gắng trả lời càng cụ thể càng tốt. Hay hơn cả là viết ra. Việc này thể hiện rõ ràng hiểu biết và kỳ vọng đôi bên về chuyện du học, để sau này chúng ta có cái so sánh và đúc kết.

6 thoughts on “Những Khó Khăn Khi Du Học Séc

Add yours

  1. Lần đầu mình đọc được một bài nói thật về du học như vậy. Mình may mắn hơn là khi sang Anh học, mình đã rõ mình cần gì, nên làm gì, mục tiêu như thế nào. Mình cũng nhận ra những khó khăn mà du học sinh phải đối mặt. Trước kia ít khi nghe ai nói về chuyện này. Dù có đôi chút hụt hẫng, shock văn hoá các kiểu, nhưng mình rất thích thời gian đi học ở đây. Và mình cũng rất đồng ý “tinh thần” là quan trọng nhất. Những người vượt qua được thời gian đầu, biết chấn chỉnh lại tinh thần thì mới thật sự trưởng thành.
    Bài viết rất chân thật 🙂

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn bình luận và chia sẻ của bạn. Mình thực sự hi vọng mọi người sẽ thảo luận cởi mở, chân thật và góp ý mang tính xây dựng hơn về những vấn đề du học sinh gặp phải và giải pháp. ❤️ Because what doesn’t kill you makes you stronger 😁

      Like

  2. Bài viết rất hay, rất chân thực! Du học không phải là đi chơi và châu Âu không phải toàn màu hồng. Ví dụ như ở Đức, một kì phải đăng kí ít nhất 6 môn thì 3 – 3.5 năm mới xong Bachelor (chưa bao gồm thi lại, chuyển ngành, chuyển trường các kiểu). Nhưng có bạn chỉ đăng kí 2-3 môn, còn lại thời gian đi làm kiếm tiền. Kiếm được nhiều (pay by cash, no tax) nên lại lao vào làm. Làm nhiều quá, lại kêu mệt không đi học. Rồi thi không đậu. Đâm ra chán học, nghỉ luôn. A vicious cycle 🙂

    Liked by 1 person

    1. Chuẩn luôn. Nếu gia đình khó khăn, cần tiền chu cấp nên các bạn ấy phải bỏ học, đi làm kiếm tiền, thì còn có thể thông cảm đc. Nhưng nhiều bạn gia đình có điều kiện, ủng hộ con cái đi học, thậm chí cho học trg tư, chịu trả học phí khá cao. Nhưng học khó một chút là nản. Xong nghe ng này ng kia rủ rê, “thôi, ko cần học cx kiếm đc tiền,” thế là theo. Sau này lại chính những bạn ấy rủ những du học sinh mới sang bỏ học. Ngoài khuyên đi làm chui, còn khuyên cưới vợ chồng để lấy giấy tờ. Chán thực sự. 😔

      Liked by 1 person

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑