4 Điểm Bạn Yêu Và Ghét ở Amsers

“Once Amsers, forever Amsers”

Mình là một Amser. Không phải hình mẫu Amser con nhà giàu, học giỏi, đạt học bổng toàn phần đi học Ivy League được báo chí săn đón như Ngọc Trinh lộ hàng, nhưng cũng là một Amser. Chuyên Trung khóa 2012-2015. Nghĩa là đến nay đã ra trường được 4 năm rồi các đó.

Mình biết là cái video này quay hơi kinh, rung bần bật và mọi thứ đều mờ mịt =)))))), nhưng thề với các bạn là năm 2012, mình chọn vào Ams chỉ vì cái clip này đó.

Bạn nào không biết thì mình tóm tắt: Trường Ams là viết tắt của Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam. Là một trong những trong trường cấp ba đứng đầu cả nước. Trường có 12 khối chuyên: Toán, Hóa, Lý, Sinh, Văn, Sử, Địa, Tin, Anh, Trung, Nga, Pháp. Phải cạnh tranh gắt gao để thi vào. Amser là biệt danh học sinh trường Ams tự đặt cho mình cho nó ngầu.

Tại sao mình lại viết bài này?

Vì mình rảnh? Công nhận, rảnh thật. Với cả vừa bắt đầu năm học mới. Lại một thế hệ Amser nữa ùa vào sân trường, với những ước mơ hoài bão lớn lao, khiến mình không khỏi bồi hồi, nhung nhớ những năm tháng học trò hồn nhiên, ngây thơ, bơ vơ. Mình thấy đã ra trường đủ lâu để vẫn còn nhớ những kỷ niệm lớp học, nhưng không lâu quá như kiểu các bố mẹ kể chuyện thời bao cấp. Nhưng lý do trực tiếp nhất là mấy tháng trước, con em họ mình thi cấp 3. Cả nhà không ai cho nó chọn trường Ams, vì lấy gương mình ra bảo, trường đấy không ra gì, đừng học =))) Mình kiểu, ok, why? Mình khá tự ái khi nghe câu đấy =))))) Amsers chúng mình làm gì để bị thiên hạ ghét vậy?

Sau một hồi ngẫm nghĩ thì mình đúc kết có 4 đặc điểm chung mà phần lớn Amser đều có. Nhiều người thấy 4 điểm này hay ho, thú vị, nên yêu mến các Amser ❤ Những người khác lại thấy những điểm này chướng tai, gai mắt, và ghét Amsers. Mình muốn các em biết rằng, truyền thống trường Ams là thế, học sinh trường mình được người ta ngưỡng mộ, và ghen ghét. Mến mộ, và đố kị. Khen ngợi, và chửi rủa. Đôi khi tất cả cùng một lúc. Cuộc sống mà.

OK, 4 đặc điểm của Amsers khiến thiên hạ yêu hoặc ghét là gì?

1. Cái tôi của Amser cực kỳ cao

  • Điểm cộng: Tự tin, bạo dạn, nói là làm
  • Điểm trừ: Kiêu căng, tự phụ, nói một tấc lên giời

Bạn nào mà nói, không, mình là Amser và mình rất khiêm tốn, bạn nói như vậy là vơ đũa cả nắm, bạn có quen tất cả 3000 học sinh không mà nói vậy bla bla, thì mình xin dừng bạn ở đó và cảm ơn bạn đã chứng minh luận điểm hộ mình rất rõ ràng và rành mạch 10 điểm.

Phần lớn Amser có một niềm tự hào, hãnh diện về trường, đôi khi đi quá đà và dẫn đến ngạo mạn. Trong thâm tâm, các Amser này tự thấy rằng trường mình đứng nhất cả nước về cả chất lượng lẫn độ “chất”. Mình từng cảm thấy như vậy nên mình biết. Nhất là hồi mới vào trường, mình tự hào về bản thân và trường lớp đến mức mặt vênh song song bầu trời suốt mấy tuần đầu vào học. Có lẽ vì thế mà mình tông xe không biết bao nhiêu lần. Cái câu “Once Amsers, forever Amsers” (Một khi trở thành Amser, thì mãi mãi là Amser) cũng xuất phát từ sự tự hào đó, kiểu như cái “chất” của trường trở thành một phần linh hồn, bản thể của mình ý =))))))

Luôn tự hào mặc đồng phục trường Ams

Mình rất tự hào về trường. Mỗi khi mình giới thiệu “Cháu học trường Ams,” tim mình đậm lên rộn ràng, má ửng đỏ, cổ họng nghẹn lại một tình yêu cao cả dành cho ngôi trường mình mới học chưa được một học kỳ. Đó, người ta gọi là tình yêu vô điều kiện.

Đùa thôi, tình yêu Ams rất cần có điều kiện nhé =))))))) Trường Ams tốn mình 4 lò luyện tiếng Anh, 1 lớp Toán, 2 lớp Văn, vô số sách luyện thi và hàng chục triệu tiền học thêm để vào một cái lớp mà ai cũng giỏi hơn mình. Nhưng không sao vì chỉ cần cái mác trường Ams là bạn giỏi ngang chúng nó hí hí. Sau khi chọi thắng 30 thí sinh cùng tuổi, mình bước vào ngôi trường rộng 5 hecta, mà lúc đấy đối với mình to như một cái sân bay. Và dĩ nhiên là với một sự kiêu ngạo mà không đứa trẻ 15 tuổi nào nên có.

Ở tuổi 15, vào được Ams là thành tích to lớn nhất mình đạt được. Họ hàng, người quen của bố mẹ cũng thường xuyên khen, cháu học Ams à, giỏi thế, đấy con xem mà học hỏi chị nhé, học giỏi như chị sau này được du học nhé, đấy phải chăm lên chứ, lười như con sau này trượt cấp ba để đi quét rác à. (lần đầu tiên có mẹ lấy mình ra làm gương cho con nhà người ta, chứ không phải ngược lại). Nên mình lại càng hãnh diện tợn.

Chỉ với các mác “học sinh trường Ams”, lần đầu tiên trong đời, mình tự tin nói chuyện với người lớn, người lạ để giao lưu networking, đề nghị hợp tác, xin tài trợ cho các hoạt động ngoại khóa. Tất cả bởi vì một cái uy tín mà trường và các Amsers đi trước đã gây dựng trong lòng công chúng.

Chỉ trong vòng vài tháng, danh hiệu Amser đã trở thành một phần danh tính cá nhân của mình. Và mình nguyện thề sống chết bảo vệ trường trước sóng gió dư luận =))))

2. Trường Ams cũng bê bối

  • Điểm cộng: Những ai chán ghét hệ thống giáo dục gò bó, nhồi sọ thì có thể luồn lách (nếu có điều kiện)
  • Điểm trừ: Những ai ủng hộ hệ thống giáo dục tôn sư trọng đạo, quy củ thì sẽ thấy bất công, bất bình đẳng, xói mòn đạo đức

Nói đến dư luận thì phải nói đến phốt. Phốt thì trường Ams bị bóc nhiều và thường xuyên như mưa mùa hạ. Phốt gì thì tùy lớp, tùy chủ nhiệm, tùy học sinh. Có lớp thì học nặng quá. Có lớp cạnh tranh căng thẳng quá. Có lớp nhiều bài tập quá. Giáo viên dạy nhanh quá. Không tập trung học được vì nhiều gái xinh quá. Áp lực chạy đua thành tích quá.

Mình sẽ không đi bóc phốt của lớp khác nhưng mình sẽ bóc ngay lớp mình =)))) Đến đây cũng phải nhắc là, giữa Amsers với nhau thì nói xấu trường thoải mái: Trường xấu hoắc, toàn bê tông cốt thép, nóng như cái nhà hỏa táng, thủ tục hành chính lờ đà lờ đờ, đồ ăn bẩn thỉu 90% ung thư vân vân. NHƯNG cấm người ngoài nói xấu trường Ams nhé. Chỉ cần nghe một câu dư dân mạng chửi “trường Ams toàn con nhà giàu” là chúng mình đang nói xấu trường sẽ quay ra phản biện với 195728 luận điểm, có gạch đầu dòng, dẫn chứng, ví dụ cụ thể + hình ảnh và biểu đồ minh hoa, trình bày trong vòng 5 phút bằng 5 ngôn ngữ luôn.

Ok quay lại phốt lớp mình.

Lớp Trung của mình có truyền thống đoàn kết. Trong lớp không chia bè kết phái, gièm pha nói xấu gì nhau. Nhưng lại đoàn kết quá. Theo kiểu 30 con người chung tay góp sức gian lận thi cử có hệ thống =)))) Cái này mình nghĩ không phải chỉ riêng lớp mình, hay trường mình, vì các mẹo quay cóp, nhắc đề chúng mình cũng học lỏm các anh chị khóa trên rồi của thiên hạ thôi, chứ đến cái hàm số còn chẳng giải được, nói gì đến sáng tác ra chiến lược nhìn bài?

Chuyên Trung Ams 2012-2015

Chiến lược rất đơn giản là tìm ra “đứa làm được bài” và đặt nó ngồi ở giữa một “lũ không làm được bài” để giúp đỡ nhau. “Đứa làm được bài” thì thay đổi tùy theo môn học, thời điểm trong năm và tâm trạng của nó. Trong một thế giới hoàn hảo thì tất cả các bạn sẽ đều giỏi một môn gì đấy nhất, rồi các môn còn lại nhàng nhàng, như vậy thì mỗi tiết chúng ta có thể chia đều ra để dựa dẫm nhau cho công bằng. Thí dụ, mình giỏi tiếng Trung nên giờ kiểm tra, mình sẽ làm cả hai đề chẵn lẻ để cân các bạn xung quanh. Ngược lại, bạn cùng bàn của mình sẽ “cứu trợ” mình giờ Toán. Đùa thôi, thật ra mình cần cứu trợ cả Hóa, Lý, Sinh… Thề đọc đề xong kiểu, tôi không hiểu các vị nghĩ bao nhiêu chúng tôi sẽ kiếm được việc làm sau này nhờ khả năng tính khoảng cách giữa các vân ánh sáng??? CH3CHNH2COOH+CH3OH ra chất gì??? Hình thang cong là hình gì vậy???

Nhưng đời thì không phải La La Land và nếu bạn cứ há miệng chờ sung thì sẽ có ngày cả tổ ong nó rơi vào mõm. Và đó là ngày bạn không chép được của ai cả và bị điểm kém.

Thường thì không bao giờ cả lớp có một bạn bị điểm kém. Như mình nói, lớp mình rất đoàn kết, sống chết có nhau. Đã phất thì cả làng phất, mà đã phốt thì cả làng phốt. Một chiến binh ngã xuống nghĩa là cả một đoàn quân bỏ mạng. Mà điểm kém thì không tốt cho học bạ. Nhẹ thì cả lớp xin xỏ kiểm tra lại mà căng thì phụ huynh đút lót sửa điểm.

Nhưng bên cạnh những vấn nạn ở trên, lớp mình được cái khá trật tự. Không ồn ào nói chuyện riêng vì cũng không có nhiều bạn đến lớp lắm 🙂

Lớp mình 70% xác định du học từ lúc biết điểm thi vào lớp 10; 30% còn lại muốn du học, nhưng bố mẹ khuyên, thôi con ơi, đừng đua đòi theo các bạn nhà mình nghèo, đú theo bán thận đấy con ạ, nên đành ở nhà nhưng vẫn tìm mọi cách vượt biên qua các chương trình trao đổi.

Amsers bay khắp thế gian. Ảnh của bạn Đỗ Bảo Anh Thư

Nói chung là không gia đình nào thích giáo dục Việt Nam và có tiền thì đều muốn cao chạy xa bay hết. Nghĩa là quá trình chuẩn bị du học quan trọng hơn việc học tập ở trường cấp 3. Điển hình là đến mùa thi SAT, TOEFL, IELTS (các chứng chỉ tiếng Anh), thi học sinh giỏi thành phố quốc gia, nộp hồ sơ du học là học sinh nghỉ/bùng học liên tục. Nếu không kiểm tra thì nhiều đứa sẽ cúp tiết để ra quán cà phê luyện đề thi tiếng Anh, viết personal statement (tự luận giới thiệu bản thân), hay điền financial aid application (đơn xin trợ cấp tài chính của trường).

Những trường hợp bùng học để du học này nhiều và đều đặn đến mức giáo viên thấy chúng nó đi học còn ngạc nhiên, em là ai, học lớp nào và các bạn thì, ơ đi học làm gì, về đi, có kiểm tra đâu.

3. Amsers hay nói bồi

  • Điểm cộng: Nhanh, tiện, hiệu quả nếu cả hai đều hiểu nhau
  • Điểm trừ: Phô trương, không tôn trọng tiếng Việt, khó hiểu nếu có người không sõi tiếng

“Mày thấy thằng đấy thế nào?”

“Tao thấy hơi over-confident đến mức narcissistic ý.”

“Cũng được mà. Đẹp zai. Không biết có 女朋友 chưaaa?”

Đây là một cuộc đối thoại giả tưởng giữa mình và mấy đứa ở lớp. Trên thực tế, chúng mình rất ít khi nói bồi tiếng Trung =))))), mặc dù chuyên Trung nhưng trình độ tiếng của lớp khá tệ, ý mình là rất tệ. Vì hầu hết định du học Mỹ hoặc thi đại học Việt Nam, chứ không ai định đi Trung Quốc. Mà lúc đấy Bắc Kinh cho xây giàn khoan 981 ở Biển Đông, làm tinh thần dân tộc trong nước lên cao trào khiến các gia đình cũng tẩy chay TQ quá trời.

Không bồi tiếng Trung nhưng chúng mình nói bồi tiếng Anh liên tục, thành tật. Nhiều người không quen nói bồi thường gọi đây là biểu hiện của “mất gốc tiếng Việt”, “thể hiện”, “sính ngoại” vân vân.

Nhưng theo một khía cạnh khoa học thì nói bồi là một quá trình rất bình thường khi một người học ngoại ngữ. Đầu họ suy nghĩ bằng ngôn ngữ thứ hai, nhưng lại vẫn phải diễn đạt bằng ngôn ngữ thứ nhất. Dẫn đến sự pha tạp, đệm chữ đệm từ. Khi đối thoại, nếu cả hai đều nói lưu loát hai ngôn ngữ, thì nói bồi hoàn toàn phù hợp, tiện lợi và hiệu quả. Việc này giúp họ diễn đạt ý ở mức độ chính xác tối đa. Trong nhiều lĩnh vực làm việc, có nhiều từ chuyên môn nên dùng tiếng Anh để tối giản giao tiếp mà tối đa năng suất.

Sang Séc, mình phải sửa thói nói bồi tiếng Anh sang nói bồi tiếng Séc. Khi gặp lại bạn bè cũ, chúng nó nói bồi tiếng Anh nhiều quá, thậm chí mình còn hơi khó chịu, mặc dù hồi trước cả lũ đã từng nói chuyện suốt 3 năm phổ thông kiểu này. Nhưng nói chuyện tầm 10 phút mình lại quen và nhận ra nói thế này tiện và dễ thật vì đầu mình lúc nào cũng lộn tùng phèo mấy thứ tiếng ý.

4. Amsers luôn hoài niệm “những năm tháng ấy”

  • Điểm cộng: Có nhiều hoạt động, sự kiện, kỷ niệm đẹp. Nhiều biến cố =))))) Đi xa, lâu không nói chuyện cũng không thể quên những năm tháng cấp 3
  • Điểm trừ: Cái gì cũng so sánh với “hồi cấp 3”. Không thể rũ bỏ quá khứ để bắt đầu chương mới vì cái gì cũng “không giống Ams”.

Ở Ams, mình từ một đứa nhút nhát, thụ động biến thành một nhân vật tự tin, năng động, sẵn sàng tham gia 1048673 sự kiện, hoạt động khác nhau để khẳng định bản thân. Hoạt động ngoại khóa hăng đến nỗi điểm số tụt dốc, quay cóp thành thần, bố mẹ hốt hoảng =))))))

Nhưng nếu được quay lại những năm tháng ấy, mình vẫn sẽ tham gia đúng 1048673 sự kiện và hoạt động kia, thậm chí nhiều hơn. Mình của ngày hôm nay được xây dựng trên nền tảng những sở thích và khả năng đã được khai phá những ngày học sinh đó. Ams cho mình sự tự do và liều lĩnh mình chưa bao giờ biết đến. Nếu như bạn lớn lên trong một môi trường mà tất cả mọi người đều học từ 7h sáng đến 7h tối, sau đó về nhà làm một đống bài tập rồi lăn ra ngủ để sáng hôm sau lặp lại từ đầu, thì Ams là cửa sổ ra thế giới mới. Một thế giới mà mọi luật đều có thể lách, nếu bạn đủ thông minh (và ô dù). Bạn có dám trèo ra ngoài cửa sổ không?

Sau buổi lễ tốt nghiệp sướt mướt thì phần lớn lớp mình đều bay. Bay đến những nơi xa. Xây dựng những ước mơ xa hơn nữa. Với những kỳ vọng xa tít tắp.

Và rất nhiều người rơi vào trầm cảm. Bởi vì đại học không như Ams. Đại học cũng to rộng, cũng tự do, cũng nhiều hoạt động. Nhưng nó không khiến bạn cảm thấy “thuộc về” như Ams. Mình chắc chắn đã từng cảm thấy như vậy năm đầu du học. Cảm thấy nhớ cấp 3. Mình dán ảnh lớp đầy phòng và hằng ngày nhắn tin cho hội bạn cũ đòi video call. Không bao giờ mình có lại được những năm tháng phổ thông vô tư ấy.

Những lúc hoài niệm trường cũ như thế, mình lại nuối tiếc một điều. Những năm cấp 3, mình thích thầm một soái ca mà cả lớp ai cũng biết là ai. Khóc lóc vật vã nhiều ngày đêm vì tự ti, sao tôi xấu vậy, không ai yêu tôi. Tốt nghiệp vẫn không thổ lộ tình cảm với người ta. Sau này du học rồi, có người yêu rồi, vẫn cắn rứt, bèn nhắn tin bảo hắn, này hồi trước tớ thích cậu đấy. Hắn bảo, good to know. Mình tưởng lòng sẽ nhẹ đi như lông ngỗng. Nhưng không hề. Bởi vì nó vẫn là một cái gì đấy mình đã không làm. 3 năm cấp 3, mình làm 1048673 điều chỉ trừ một. Lại là điều làm mình day dứt mãi. Bù lại, thỉnh thoảng nghĩ đến tình yêu bọ xít ấy, mình lại thấy đời mình khá giống phim điện ảnh, nên tự thưởng cho bản thân một tràng pháo tay.

Lớp mình hát bài này hôm chia tay tốt nghiệp =)))) trớ trêu nhẹ

Rốt cuộc là có nên học Ams không?

Nếu bạn muốn một môi trường cạnh tranh, năng nổ, tự do, thầy cô tạo điều kiện cho du học, thì nên học Ams.

Nếu bạn muốn một môi trường nghiêm túc, nề nếp, kỷ luật, thầy cô tập trung luyện thi đại học Việt Nam, thì không nên học Ams.

Nếu bạn muốn chứng tỏ bản thân cho thiên hạ sợ xanh mắt mèo thì hãy cứ đăng ký thi Ams, đỗ thủ khoa, rồi chọn trường khác với lí do: Ams không ra gì, không thèm học!

Chúc các Amsers luôn yêu trường nhưng đừng yêu quá =)))))))

9 thoughts on “4 Điểm Bạn Yêu Và Ghét ở Amsers

Add yours

  1. Bài viết đáng yêu quá 😀 hehe. Chị không học Ams, vì không phải lớn lên ở Hà Nội. Nhưng hồi trước ngưỡng mộ trường Ams lắm, còn nghĩ sau này có con sẽ cho nó vào Ams. Bây giờ lại gặp và quen nhiều bạn học Ams. Giờ còn đang viết một bài nghiên cứu với một bạn cấp ba là Amser. Trước chị cũng nghĩ Ams chắc kiêu lắm, cơ mà chị toàn gặp người rất khiêm tốn haha

    Like

    1. Cảm ơn chia sẻ của chị nhé! Em thấy nhờ môi trường học tập, ngoại khoá mà phần lớn Amsers đều rất tự tin, bạo dạn, có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm. Có người thấy các bạn ấy còn trẻ mà ăn to nói lớn, dám lên tiếng, dám tranh luận thì nói là kiêu căng, ngạo mạn, ngựa non háu đá. Trong một số trường hợp có lẽ là vậy thật haha.

      Chị cứ tưởng tượng mình dành những năm tháng tuổi mới lớn ở một nơi ai cũng có cá tính rất mạnh, rất CHẤT, rất NGẦU và quan trọng hơn cả là RẤT GIỎI, thì mình cũng sẽ bị ảnh hưởng, sẽ tìm các cách cạnh tranh và làm nổi bật bản thân. Dần dà đây trở thành mindset, rằng lúc nào mình cx phải cố chứng tỏ khả năng để không bị coi khinh, lu mờ.

      Liked by 1 person

  2. Em hiện tại cũng là một amser nè (20-23) và trước đây em cũng đã có đọc qua mấy bài của chị rồi mà tự dung hôm nay đọc bài này ms biết chị là amser hú hú. Trời chị giỏi quá làm em ngưỡng mộ lắm >< Chúc chị có thật nhiều thành công và luôn vui vẻ trong tương lai nha.

    Liked by 1 person

  3. chị ơi cho em hỏi học cấp 3 ams có ăn ngủ bán trú ko ạ . do em sống ở nội thành hn ạ .nên mong chị giải đấp ạ

    Like

  4. Đọc bài của chị mà em càng tự hào vì mình cũng là một amser ạ (em học khóa 19-23 á chị và năm sau em ra trường rồi nên cũng tiếc nuối lắm ạ) Mơ ước của em là đỗ cấp 3 Ams ạ và bài viết của chị truyền cho em nhìu động lực lắm lun ạ, cảm ơn chị vì một bài viết siu cute này ạ

    Liked by 1 person

  5. Anh cũng Toán 2 10-13 giờ đang phất phơ bên Vancouver 😆 tự nhiên hôm nay cross lạc vào trang của em, đọc vừa thấy giống giống, vừa thấy nhớ nhớ 3 năm cấp 3 ams❤️

    Liked by 1 person

Leave a reply to linhcete Cancel reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑