Nếu Bạn Sợ Sai Hay Sợ Thất Bại Thì Hãy Đọc Bài Này

“Bác nói cháu nghe này, bác đã từng làm nghề này rồi. Cháu lấy giá như vậy là quá đắt. Đúng không nào? Cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Cháu làm nghề này được bao năm rồi nào?”

Môi trường làm việc độc hại kiểu:

Có một thứ mình vừa yêu vừa ghét trong tiếng Việt, đó là ngôi nhân xưng. Anh-em, bố-con, bà-cháu, chú cháu,… Mỗi câu thốt ra là một lần khẳng định lại tương quan mối quan hệ giữa hai người. Bỗng nhiên từ hai người xa lạ, ta về một nhà, xưng hô như máu mủ ruột già. Chính ra, ngôi nhân xưng nên trở thành một di sản văn hóa nước nhà bởi nó là kết tinh súc tích nhất của truyền thuyết con rồng cháu tiêu của tộc Việt.

Mỗi lần xưng “cháu,” với một ai, mình vô hình trung nhắc nhở bản thân, người này đáng tuổi cha chú, ông bà mình. Họ cách mình một hai thế hệ, có con cái, cháu chắt. Mình phải kính cẩn mà thưa bảo với họ cho phải phép.

Chính thế mà khi gặp đối tác hoặc khách hàng là người Việt hơn mình đến cả chục tuổi, chủ động gọi mình là “cháu” và xưng “chú” trước khi cao giọng mặc cả tiền nong thì mình ngẩn ngơ, đờ ra, cứng họng. Mình không muốn tranh luận giá cả với ai. Càng không tranh luận với những người ngang hàng bố mẹ mình, đứng ở trên nói vọng xuống hàng con cháu.

Nhưng mình từ chối làm việc với “chú” đó không phải chỉ vì cái ngôi xưng hô. Mà là cái cách người ta lợi dụng cái bất bình đẳng ấy để lên giọng kẻ cả với mình. Họ chưa cần biết gì về dịch vụ, sản phẩm mình cung cấp đã đánh giá nó đắt và chê nhân viên trẻ, thiếu kinh nghiệm. Đúng, mình trẻ, mình thiếu kinh nghiệm, nhưng khi làm ăn, không đồng ý với offer thì cũng đừng móc mỉa cá nhân đối phương.

Ở đời bao giờ người ta cũng vin vào được những cái bất bình đẳng giới tính, tuổi tác, chức vụ, quyền lực… để dọa nạt. Và trong nhiều trường hợp, những kẻ yếu thế phải nín nhịn, nuốt giận, giả tạo, nịnh hót để sinh tồn và tiến thân. Những năm 90 khi kinh tế Việt Nam còn đang chập chững bước vào thời kỳ Đổi Mới, khi đi làm con người ta phải chịu đựng nhiều bất công để giữ được công việc và chu cấp cho gia đình.

Nhưng thế hệ mình đã khác.

Mình không cần phải chịu đựng ai hay cái gì để kiếm tiền hay giữ thể diện. Sống phải đàng hoàng. Làm phải chuyên nghiệp. Nghề không hợp thì bỏ. Vẫn chưa muộn.

Không bao giờ muộn để thay đổi sự nghiệp

Mình luôn cố gắng để không phạm lỗi. Khi mắc lỗi, mình run lên sợ hãi. Toàn thân nóng bừng. Thậm chí khi chưa mắc lỗi, chỉ hình dung, linh cảm mình sắp mắc lỗi, mình đã căng thẳng, gồng lên, thở gấp, tim đập bình bịch, vã mồ hôi, sôi nước mắt. Và khi phạm lỗi thì tim mình đúng kiểu 1 2 3 5 em có đánh rơi nhịp nào không. Con tim rơi đánh tỏm xuống một cái hố đen sâu hoắm và cổ họng mình nghẹn ứ lại. Trong đầu trống rỗng. Mất một vài giây để định hình và hỏi, chuyện gì vừa xảy ra thế nhỉ? Sai lầm này sẽ dẫn đến những hậu quả gì? Phải làm gì để chuẩn bị đón nhận chúng? Cứ. Bình. Tĩnh.

Hỡi Châu của hôm nay và của tất cả những ngày sau, xin hãy ghi nhớ: Vẫn chưa muộn. Chưa muộn để nhảy việc. Chưa muộn để học một kỹ năng mới. Chưa muộn để du lịch khám phá. Chưa muộn để trải nghiệm. Chưa muộn để sai. Chưa muộn để tìm kiếm đam mê. Chưa muộn để theo đuổi nó.

Nếu hôm nay mày sai, tao mừng cho mày.

Nếu hôm nay mày khóc, tao mừng cho mày.

Nếu hôm nay mày nhận ra mày không hợp với một công việc mà mày đinh ninh là định mệnh của mình, tao mừng cho mày.

Nếu một ngày mọi thứ thay đổi và lộn tùng phèo và mày phải bắt đầu lại từ đầu và mày vẫn chống chọi không gục ngã, tao mừng cho mày.

Bởi vì mày còn trẻ và thất bại này sẽ giúp mày nhận ra nhiều điều về bản thân và rút kinh nghiệm cho sau này. Nghe kiểu sáo rống ý nhỉ. Nhưng sự thật là, những khoảnh khắc mày chán đời và thất vọng tràn trề về bản thân nhất sẽ giúp mày mạnh mẽ và tự hào về bản thân hơn sau này.

Sẽ ổn thôi. Bây giờ không ổn và có lẽ một thời gian sau cũng chưa ổn. Nhưng rồi, một ngày nào đó, chắc chắn là thế, sẽ ổn. Vẫn chưa muộn để sửa sai. Vẫn chưa muộn để làm lại. Vẫn chưa muộn để bắt đầu.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑

%d bloggers like this: