Chuẩn Bị Phỏng Vấn Xin Việc ở Séc

Trong vòng 6 năm tại Séc (2015-2021), mình đã phỏng vấn xin việc ở nhiều công ty khác nhau: công ty nhỏ của người Việt, chỉ có 1-2 nhân viên cũng có, công ty lớn như SAP có 100,000 nhân viên toàn cầu cũng có. Có phỏng vấn trượt, có phỏng vấn vào. Có cái tưởng ăn lại trượt, mà tưởng trượt lại ăn. Đúng kiểu được thì là trời cho, không được là trò chơi.

1 năm vừa rồi mình làm HR ở SAP, được bước vào vai trò tuyển dụng đi đọc CV của người khác và phỏng vấn họ cho những vị trí team mình cần. Mình cũng tham gia tổ chức trainings về kỹ năng viết CV và phỏng vấn cho nhân viên SAP. Kiến thức HR này mình sử dụng để đi xin việc 1 tháng vừa rồi và kiểm chứng là có tỉ lệ thành công rất cao. Nên mình muốn chia sẻ lại cho mọi người.

Blog này dành cho các bạn du học sinh tại Séc mong muốn vào làm việc ở các công ty quốc tế sử dụng tiếng Anh. Đây là Phần 2 của series xin việc. Các bạn có thể đọc Phần 1, về Gửi hồ sơ xin việc ở đây nha. Trong blog này, mình sẽ chia sẻ về cách chuẩn bị, kết cấu 3 vòng phỏng vấn, các dạng câu hỏi thường gặp, và cách trả lời thông minh nhất nhé.

Nếu bạn đã vượt qua vòng hồ sơ và giành được vé phỏng vấn thì chúc mừng bạn nhé! Bạn biết không, tùy vào tầm cỡ của công ty và độ hot của vị trí mà bạn apply, sẽ có 200-300 CV được gửi đến, nhưng dĩ nhiên là họ không thể mời hết mấy trăm người đến phỏng vấn được, họ chỉ muốn phỏng vấn trên dưới 10 người thôi. Vậy mà bạn cũng qua cửa được, giỏi quá đi!

Chuẩn bị cho phỏng vấn xin việc

Chuẩn bị 10 thứ này trước khi phỏng vấn nha (Graphic by Indeed)

Trước mắt đến hết 2021, chúng ta chủ yếu sẽ phỏng vấn xin việc online nên các bạn chú ý chuẩn bị máy tính, camera, mic, tai nghe cho đầy đủ và internet khỏe nhé.

Kết cấu 3 vòng phỏng vấn xin việc

Kết cấu của các vòng phỏng vấn sẽ được Recruiter (bên tuyển dụng) giải thích cụ thể với bạn. Thường các công ty quốc tế sẽ có 2-3 vòng phỏng vấn. Đầu tiên Recruiter gọi điện để confirm một số thông tin cơ bản: bạn đang làm việc ở đâu, bạn còn quan tâm tới vị trí kia không, bạn đang đi học hay tốt nghiệp rồi, v.v. và hẹn ngày phỏng vấn.

  • Vòng 1, bạn phỏng vấn với Recruiter (30min-1h)
  • Vòng 2, phỏng vấn với Manager (có thể với sự tham gia của 1-2 người nữa trong team) (30min-1h)
  • Vòng 3, nếu có, sẽ là phỏng vấn với Head of Department (trưởng phòng) (30min)

4 dạng câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc

Để chuẩn bị cho cuộc đấu trí cam go khi phỏng vấn xin việc 😀 , bạn phải chuẩn bị kiến thức đầy đủ và tinh thần vững vàng cho 4 dạng câu hỏi sau.

Dạng 1: Sơ yếu lí lịch (Biographical questions)

Công ty muốn tìm hiểu thêm về những thông tin bạn ghi trên CV, như là:

  • Bạn có thể giới thiệu qua về bản thân được không?
  • Bạn đang học/tốt nghiệp ngành gì, trường nào? Tại sao lại học ngành đó?
  • Bạn sang CH Séc từ bao giờ? Tại sao lại chọn nước Séc?
  • Tại sao bạn muốn ứng tuyển vị trí này? Tại sao chọn công ty này?

Mục tiêu hỏi về sơ yếu lí lịch là để xác nhận những thông tin bạn ghi trong CV là chính xác và mới cập nhật.

Dạng 2: Câu hỏi hành vi (Behavioral questions)

Công ty muốn tìm hiểu thêm về kinh nghiệm làm việc, cách tư duy và xử lý vấn đề của bạn qua các câu hỏi kiểu:

  • Tôi thấy bạn đã có kinh nghiệm làm việc A B C. Bạn nghĩ những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn trong công việc sắp tới như thế nào?
  • Công việc bạn thích làm nhất từ trước đến nay là gì? Tại sao?
  • Kể cho chúng tôi nghe một lần bạn gặp khó khăn trong công việc và cách bạn vượt qua nó

Mục tiêu hỏi về hành vi là để xem xét thái độ với công việc và cách giải quyết vấn đề của bạn có phù hợp với vị trí và team không.

Dạng 3: Câu hỏi lý luận (Logical questions)

Mấy câu này thường dành cho các bạn theo các ngành cần tư duy logic tốt, như là lập trình, kiểm toán, dữ liệu, v.v. Câu hỏi kiểu:

  1. Tại sao nắp cống lại hình tròn?
  2. Mẹ của Mary có 4 người con, April, May, June. Hỏi đứa thứ 4 tên là gì?
  3. Cho một can 3 lít, một can 5 lít, làm thế nào để đong được 4 lít nước mà không lấy thêm một can nào khác?
  4. Cái phòng này chứa được bao nhiêu quả bóng tennis?

Ở những câu hỏi này, họ muốn quan sát cách bạn xử lý vấn đề, bạn lập tức nói “câu hỏi kiểu gì thế?” rồi bỏ cuộc 😀 , hay là bạn vẽ sơ đồ rồi nghĩ ra các thuật toán để tìm ra câu trả lời. Có bạn nào trả lời câu nào trong 4 câu này không? Trả lời ở dưới bình luận nhé! 😀

Dạng 4: Câu hỏi tình huống (Scenario questions)

Họ giả dụ một tình huống công việc (thường là dựa trên thực tế vị trí của bạn) để xem bạn sẽ phản ứng và giải quyết vấn đề như thế nào:

  • Trong vị trí này, bạn sẽ là cầu nối giữa bên A và bên B. Nhưng ví dụ A không đồng ý với B, bạn sẽ làm gì để giải quyết mâu thuẫn này khi deadline đang đến gần rồi?
  • Các đối thủ của chúng ta đều đang tập trung phát triển theo hướng X trong mảng này. Chúng ta có nên phát triển theo hướng đó không? Làm thế nào để biết hướng X là hướng phù hợp cho công ty?

Cái hay của dạng câu hỏi này là bạn mường tượng ra được vị trí của mình trong công ty và biết những thử thách trước mắt sẽ như thế nào.

Các câu hỏi phỏng vấn hay gặp nhất

Các câu hỏi bạn sẽ gặp thường xuyên khi đi phỏng vấn xin việc nè (Graphic by Zety)

Trả lời câu hỏi hành vi và tình huống theo mô hình STAR

Câu hỏi hành vi và tình huống thường khiến nhiều sinh viên run rẩy nhất, vì cảm giác mình chả có kinh nghiệm gì đặc sắc để nói, cảm thấy mình nhạt nhẽo vô vị. Không nhé 😀 Bạn không được nghĩ như thế. Nhà tuyển dụng khi chọn CV của bạn đã biết bạn là sinh viên, ít kinh nghiệm rồi, và họ vẫn chọn bạn, vì chính sự ít kinh nghiệm của bạn khiến bạn phù hợp với vị trí này. Thật đấy 😀 .

Khi họ hỏi bạn những câu hỏi hành vi, họ không kỳ vọng bạn chia sẻ một kinh nghiệm gì đao to búa lớn. Họ muốn xem sự tự tin của bạn, khả năng nói tiếng Anh, cách bạn tư duy mạch lạc và thuyết trình hiệu quả. Chỉ cần thần thái bạn tự tin, tích cực thôi, là bạn thắng 50-60% rồi. Ví dụ họ hỏi bạn là “Kể cho chúng tôi nghe một lần bạn gặp khó khăn trong công việc và cách bạn vượt qua nó.” Bạn nên trả lời theo mô hình S-T-A-R để có câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, và hiệu quả nhất:

Luôn luôn trả lời câu hỏi tình huống theo mô hình STAR (Graphic by Wizard Sourcer)
  1. Chữ “S” đầu tiên là “Situation“: Hoàn cảnh là gì? Đây là khi bạn làm việc ở công ty nào? Bạn gặp phải khó khăn gì? VD: Khi tôi vừa đi học, vừa đi làm thực tập ở công ty A, có những lúc tôi vừa phải chạy deadlines thi cuối kỳ ở trường, vừa phải chạy deadlines công việc.
  2. Chữ “T” thứ 2 là “Tasks“: Trách nhiệm hay nhiệm vụ của vị trí bạn làm là gì? VD: Ở trường, tôi học 5 môn, có bài tập hàng tuần, project nhóm, thi cuối kỳ. Ở công ty, công việc của tôi là hỗ trợ các project. Tôi phụ trách việc A, B, C, và báo cáo kết quả.
  3. Chữ “A” thứ 3 là “Actions“: Bạn đã làm gì để giải quyết vấn đề? VD: Tôi đánh dấu deadlines các môn học và project lên lịch để tiện theo dõi. Tôi cố gắng hoàn thành bài tập sớm trước deadline để không bị dồn dập. v..v.
  4. Chữ “R” cuối cùng là “Results“: Kết quả của hành động đó là gì? Bạn rút được kinh nghiệm gì từ trải nghiệm này? VD: Bởi vì tôi hệ thống hóa các đầu việc, nên tôi luôn luôn kịp deadlines, tôi không bị căng thẳng, việc học hỗ trợ việc làm và ngược lại. Tôi học được cách sử dụng Google Calendar + Trello để quản lý projects, tôi học cách làm việc nhóm, v.v.

Nhớ mô hình Situation – Tasks – Actions – Results (STAR) để trả lời súc tích và đúng trọng tâm nhé cả nhà.

Hãy chuẩn bị câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng

Phần cuối của một buổi phỏng vấn, công ty thường hỏi, “Bạn có câu hỏi gì không?” và rất nhiều người nói không. Mình thì luôn luôn hỏi vì nhỡ mà phỏng vấn tạch thì đây sẽ là lần cuối bạn được nói chuyện với họ đấy. Nên bạn hãy tận dụng cơ hội này để tìm hiểu thêm về công việc và công ty nhé. Đây là một số câu mình hay hỏi:

  • Team của tôi sẽ có bao nhiêu người?
  • Tôi sẽ làm việc thường xuyên nhất với các phòng ban nào?
  • Tôi có phải đi công tác nhiều không?
  • Tôi có phải làm quá giờ nhiều không?
  • Tôi có được làm việc từ nhà không?
  • Giờ làm việc của tôi có được linh hoạt không?
  • Điều gì là điều tuyệt vời nhất về công ty này?
  • Bước tiếp theo sau cuộc phỏng vấn này là gì?

Những câu hỏi này còn chứng minh bạn rất quan tâm tới vị trí và công ty nên mới muốn tìm hiểu sâu sắc đến vậy.

Sau tất cả, hãy gửi email cám ơn

Đối với nhà tuyển dụng thì một cái email cám ơn cũng khiến họ chú ý hơn đến hồ sơ của bạn. Hơn nữa, nếu trong quá trình phỏng vấn họ có hỏi gì đó như là “Bạn có sản phẩm gì cho chúng tôi xem được không?” (Kiểu như mình phỏng vấn xin làm graphic designer hoặc video editor thì họ muốn xem portfolio ý) mà bạn không share được lúc đó, thì có thể gửi link hoặc portfolio cho họ ở trong thank you email.

Thường các công ty sẽ câu trả lời trong vòng 2 tuần. Nhất là nếu còn vài vòng phỏng vấn nữa thì họ sẽ trả lời trong tuần luôn. Nếu số lượng ứng cử viên không nhiều, họ có thể gọi điện đến từng người để thông báo trúng trượt và cho bạn 1 vài feedback. Nhưng nếu có quá nhiều người đăng ký thì họ chỉ thông báo kết quả qua email thôi.

Luyện tập, luyện tập, luyện tập

Với những câu hỏi ở trên kia, các bạn hãy thử ngồi xuống và ngẫm nghĩ xem mình sẽ trả lời như thế nào. Hãy viết ra những ý chính theo đúng mô hình STAR. Và rồi luyện nói. Bạn phải luyện nói thật nhiều. Để gần như thuộc lòng và có thể nói trôi chảy, truyền cảm, tự tin.

Cố gắng lên. Mình cũng rất lười và ngại luyện nói. Nhưng thà bây giờ nói vấp, nói ngọng một mình còn hơn để đến lúc phỏng vấn đứng trước cả panel bắt đầu ấp úng đúng không? Fighting! 😀

Và đó là tất cả mình muốn chia sẻ về đấu trí trong phỏng vấn xin việc 😀 Blog sau sẽ là thỏa thuận lương nha (hot cực!). Nếu các bạn còn có câu hỏi gì, hãy bình luận ở dưới nha. Và nếu bạn có kinh nghiệm phỏng vấn gì mà mình chưa nhắc đến ở đây, hãy chia sẻ với mọi người nhé.

Một số blog liên quan tới chủ đề xin việc

Mà đã ai nghĩ ra câu trả lời cho 4 câu hỏi logic chưa?

  1. Tại sao nắp cống lại hình tròn?
  2. Mẹ của Mary có 4 người con, April, May, June. Hỏi đứa thứ 4 tên là gì?
  3. Cho một can 3 lít, một can 5 lít, làm thế nào để đong được 4 lít nước mà không lấy thêm một can nào khác?
  4. Cái phòng này chứa được bao nhiêu quả bóng tennis?

One thought on “Chuẩn Bị Phỏng Vấn Xin Việc ở Séc

Add yours

Leave a Reply

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑